Sốc tâm lý và những hậu quả khôn lường ở trẻ
Bất kì ai cũng có thể gặp vấn đề sốc tâm lý, mỗi người sẽ có những biểu hiện phản ứng với sốc tâm lý khác nhau như hoảng sợ, tức giận, tê liệt hoặc cảm thấy tim đập nhanh và khó thở. Điều quan trọng để khôi phục lại trạng thái bình thường sau khi gặp phải vấn đề sốc tâm lý là phải tập trung vào các hoạt động đem lại sự thoải mái và cảm giác an toàn.
Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, thạc sĩ Tâm lý - Chuyên gia tư vấn Tâm lý - Lê Thị Minh Hoa sẽ cung cấp cho mọi người toàn bộ những thông tin chi tiết về sốc tâm lý cũng như nguyên nhân và cách xử lý khi gặp trạng thái này qua chương trình Nhật Ký Hạnh Phúc #57.
Sốc tâm lý là gì
Theo chuyên gia tư vấn Tâm lý - Lê Thị Minh Hoa chia sẻ, sốc tâm lý là một trong những phản ứng của cơ thể liên quan đến các biến cố bất ngờ xảy ra và thường để lại những hậu quả có ảnh hưởng lớn về mặt tâm lý.
![]() |
Sốc tâm lý để lại những hậu quả có ảnh hưởng lớn về mặt tâm lý - Hình minh hoạ |
Sốc tâm lý thường xuất hiện đối với các cá nhân gặp phải những tình huống như người thân qua đời, bệnh nan y, gặp tai nạn bất ngờ, phá sản, ly hôn, thất nghiệp,...Ở trẻ em, các nguyên nhân gây ra sốc tâm lý có thể là bố mẹ cãi nhau, bạo lực gia đình, bạo lực học đường, nhìn thấy tai nạn giao thông,...
Biểu hiện của sốc tâm lý
Các phản ứng và biểu hiện của cơ thể khi gặp phải tình trạng sốc tâm lý như thường bị tê liệt đi kèm cảm giác trống rỗng, tuyệt vọng và thường mang những suy nghĩ tiêu cực. Một số biểu hiện nghiêm trọng hơn do bác sĩ Lê Thị Minh Hoa cung cấp:
-
Ngất xỉu
-
Ám ảnh
-
Có ý muốn tự tử
-
Mất khả năng làm việc
-
Bất an
-
Trầm cảm
Nhận biết sốc tâm lý ở trẻ em
Sức khỏe tinh thần của trẻ em thường không cứng cáp và khả năng chịu đựng còn thấp. Vì vậy, trẻ em thường sẽ dễ bị sốc tâm lý khi gặp các vấn đề bất ngờ trong cuộc sống. Một số triệu chứng điển hình ở trẻ bị sốc tâm lý là:
-
Thường gặp ác mộng
-
Ngủ không ngon giấc
-
Không chịu ăn
-
Thường lẩm bẩm và la hét một mình
-
Tự làm hại bản thân
![]() |
Trẻ bị sốc tâm lý thường gặp ác mộng và khó ngủ - Hình minh hoạ |
Ảnh hưởng của sốc tâm lý
Theo chuyên gia Lê Thị Minh Hoa cho biết, sức khỏe tinh thần luôn có mối liên hệ chặt chẽ với sức khoẻ tổng thể. Các bệnh nhân mắc phải các bệnh tinh thần có thể bị rối loạn các chức năng trong cơ thể, điển hình là rối loạn sinh lý, đau đầu, muốn cô lập bản thân…
Tâm thần phân liệt và mất trí nhớ tạm thời là một trong những ảnh hưởng vô cùng nghiêm trọng của sốc tâm lý. Người bị sốc tâm lý nặng nếu như không kịp thời chữa trị sẽ dẫn đến những hậu quả vô cùng nghiêm trọng đối với khả năng sinh hoạt hằng ngày, sức khoẻ tổng thể suy giảm trầm trọng và dần mất đi khả năng sống tự chủ.
Các biện pháp điều trị
Các bệnh nhân bị sốc tâm lý ở mức độ nhẹ nếu tự mình phát hiện sớm có thể điều trị bằng cách thực tập thiền, tuân thủ nếp sống sinh học lành mạnh, thường xuyên tham gia các hoạt động ngoài trời, tập luyện thể thao và chia sẻ cùng với gia đình hay bạn bè.
![]() |
Thiền là một phương pháp điều trị tuyệt vời cho trẻ và người trưởng thành - Hình minh hoạ |
Tuy nhiên nếu các triệu chứng của sốc tâm lý không thuyên giảm và kéo dài từ 3 - 4 tuần thì bệnh nhân nên đến ngay các cơ sở y tế để nhận được sự trợ giúp của chuyên gia tư vấn tâm lý trước khi bệnh tiến triển nặng hơn.
Trải nghiệm trong cuộc sống cũng là một trong những phương pháp rèn luyện sức bền của bản thân trước những cú sốc tâm lý. Luôn suy nghĩ tích cực và học cách chia sẻ, trải nghiệm là một trong những phương pháp tốt nhất để xây dựng cho bản thân một hàng rào tâm lý vững chắc trước những cú sốc luôn có thể xuất hiện trong cuộc sống.
Sốc tâm lý có thể xem là một căn bệnh tâm lý vô cùng nguy hiểm, đặc biệt là đối với trẻ em. Vì vậy, các bậc phụ huynh luôn phải chú ý đến vấn đề sinh hoạt trong cuộc sống hằng ngày và tình trạng sức khoẻ của các bé để luôn luôn có thể kịp thời đưa ra những biện pháp phòng tránh và điều trị kịp thời khi các bé có biểu hiện của bệnh.