NS Trung Dân: 'Học trò ra nghề giỏi thì mừng, có thêm đạo đức thì tôi hãnh diện'
Nghệ sĩ Trung Dân là gương mặt màn ảnh quen thuộc của nhiều thế hệ khán giả Việt Nam. Với hình ảnh mộc mạc, gần gũi nhưng cũng đầy tính hài hước, nghệ sĩ Trung Dân ghi dấu ấn trong lòng công chúng qua nhiều vai diễn, đặc biệt là vai Mười hớt tóc trong chương trình "Trong nhà ngoài phố" đình đám một thời của HTV, và nhiều vai trong các phim điện ảnh, truyền hình khác.
Hiện nay, bên cạnh tham gia các chương trình truyền hình, tham gia phim ảnh, nghệ sĩ Trung Dân đang tham giam giảng dạy diễn xuất tại ngành Sân khấu - Điện ảnh của trường Đại học Nguyễn Tất Thành. Vừa là diễn viên có nhiều kinh nghiệm được đào tạo bài bản, vừa là người trực tiếp giảng dạy, nghệ sĩ Trung Dân đã có những chia sẻ rất thẳng thắn về câu chuyện học nghề, làm nghề của ngành nghệ thuật hiện nay.
Nghệ sĩ Trung Dân là tên tuổi quen thuộc trong lòng nhiều thế hệ khán giả |
Đẳng cấp hay hiện tượng?
Đối với các ngành nghề liên quan đến nghệ thuật, yếu tố kỹ năng sẵn có và năng khiếu rất quan trọng. Ngày nay, trong sự "vội vàng" để nổi tiếng, một số bạn trẻ gần như đã bỏ qua chuyện học tập bài bản để rèn luyện các kỹ năng. Từ đó, tạo nên một số "hiện tượng" nổi đình nổi đám nhưng lại thiếu đi kiến thức chính quy của nghề nghiệp và sau một thời gian lại bị đào thải.
Là người trong nghề, nghệ sĩ Trung Dân nêu ý kiến: "Ông bà mình có câu: “Không thầy đố mày làm nên”, cho nên người Việt Nam có truyền thống “tôn sư trọng đạo”. Bất kỳ ngành nghề nào cũng có người dạy, người hướng dẫn. Riêng ngành nghệ thuật đặc thù là phải có năng khiếu, còn như thế nào là năng khiếu thì phải được thẩm định ở các trường chuyên nghiệp qua các kỳ tuyển sinh. Thí sinh tham dự các kỳ thi sẽ được giám khảo kiểm tra và từ đó biết được có hay không có năng khiếu. Nếu đã có năng khiếu rồi thì đó chỉ mới là điều kiện đầu tiên, tiếp theo mình phải đến trường và học từ những người thầy, tôi đang nói đến môi trường học tập hiện đại.
Còn ngày xưa, với những người đi trước thì họ không có trường lớp, nhưng họ sẽ được các đoàn hát, gánh hát thâu nhận. Bắt đầu làm từ hậu đài, công nhân khuân vác trong đoàn, nhắc tuồng. Từ từ được đóng vai quân sĩ rồi mới tới kép bốn, kép ba, lên kép nhì, kép nhất… Tất cả đều phải có quá trình, phải đi theo giai đoạn từ A tới Z, không có nhảy vọt, cũng không có “quá độ”. Hay cũng có thể nói, những người học trò yêu mến nghề này, có điều kiện thì sẽ đi học chính thức còn không có thì học lóm, nhưng bắt buộc phải học, học với mọi hình thức".
Muốn trở thành nghệ sĩ, ngoài năng khiến cần phải học hành bài bản |
Nghệ sĩ Trung Dân cũng cho rằng, trong nghệ thuật đòi hỏi rất nhiều kỹ năng và những điều đó không tự nhiên mà có nếu không trải qua việc học. Đồng thời, nghệ sĩ Trung Dân cũng cho biết việc học hành tử tế có thể giúp người học trở nên "đẳng cấp", còn một "hiện tượng" thì lại khác. Và lựa chọn trở thành điều gì thì chỉ có thể do chính mỗi người quyết định.
"Những ai “vỗ ngực xưng tên” nói: “tôi không học” là đang nói dóc, anh học mà anh giấu. Sự tiếp thu của anh, nếu anh không nhìn người khác làm sao anh có thể làm được? Như bạn nhắc với tôi về kỹ năng, bây giờ kỹ năng bao gồm rất nhiều thứ, trên sân khấu có kỹ năng biểu diễn, ngoài đời sống có kỹ năng giao tiếp, có cả kỹ năng học tập… tất cả đều quan trọng như nhau. Cho nên, một người diễn viên hiện nay muốn chứng tỏ mình là một người đẳng cấp thì phải có đủ tất cả những cái đó, còn nếu là hiện tượng thì chắc chắn chỉ là sự nhất thời, đẳng cấp mới là cái vĩnh cửu.
Điều quan trọng là các bạn trẻ lựa chọn cái nào? Hiện tượng chỉ xuất hiện một thời gian, thích hợp với một hoàn cảnh. Sau đó, người ta lại quên và nó mất đi. Tôi nghĩ học thì phải tới nơi tới chốn, còn hành thì phải với cái tâm yêu nghề, tôn trọng những giá trị của cuộc sống, đó mới là đẳng cấp dài lâu". - nghệ sĩ Trung Dân phân tích.
Trở thành nghệ sĩ có đẳng cấp hay là một hiện tượng là lựa chựa của từng người |
Học trò mà không có cả tài lẫn đức là sự thất bại
Đảm đương công việc giảng dạy nghệ thuật, nghệ sĩ Trung Dân chia sẻ muốn trở thành một người thầy không đơn giản, cơ bản nhất vẫn cần đến hai yếu tố về tài và đức. Đồng thời, cũng chia sẻ nguyện vọng học trò sau này sẽ trở thành người có cả tài lẫn đức.
"Muốn làm thầy trong nghệ thuật không đơn giản, thứ nhất phải có năng khiếu sư phạm để đứng lớp. Thứ hai, phải là người chiêm nghiệm được quá trình làm việc mình tích lũy được gì, chọn lọc được gì để đem ra dạy cho lớp trẻ. Đó là nghề, còn đạo đức là cái quan trọng nhất. Nếu bạn là người không có đạo đức, bạn đứng lớp dạy thì đàn em, học trò sau này sẽ ra sao? Chắc chắn các em ấy chỉ biết nghề chứ không biết thêm gì khác, như vậy là không được!
Người ta hay nói “có đức mặc sức mà ăn”, “có tài mà không có đức thì vứt bỏ”... Cho nên, người giảng dạy, truyền thụ người khác phải có đủ hai yếu tố tài và đức, không cẩn thận thì chúng ta bị khuyết. Còn đối với tôi, đi làm thì kinh nghiệm không có bao nhiêu nhưng cũng được tạo điều kiện để đứng lớp giảng dạy. Hiện bây giờ, tôi có khoảng hơn mười học trò đang học năm nhất tại trường Đại học Nguyễn Tất Thành, ngành Sân khấu - Điện ảnh. Đây là các bạn chỉ mới bắt đầu học, chân ướt chân ráo, tôi nghĩ rằng đây là nhiệm vụ, bổn phận của tôi. Nếu các em ra nghề mà giỏi thì tôi mừng, nếu có thêm cái “đức” thì tôi hãnh diện. Còn nếu có tài mà không có đức thì tôi xấu hổ, và chẳng may vừa không có tài lẫn không có đức thì đó là sự thất bại trong sự nghiệp của tôi" - nghệ sĩ Trung Dân trải lòng về chuyện giảng dạy cho học trò.
Nghệ sĩ Trung Dân sẽ hãnh diện nếu học trò là những người vừa giỏi nghề, vừa có đạo đức |
Gameshow không thể xây dựng người nghệ sĩ hoàn chỉnh
Hiện nay, có một số gameshow có phần đào tạo thí sinh về kỹ năng nghề nghiệp và kỹ năng ứng xử. Trong một thời gian tương đối ngắn, liệu những người trẻ khi tham gia có thể học tập đầy đủ cả về tài lẫn đức. Là người từng đảm nhận vị trí giám khảo trong một số gameshow, nghệ sĩ Trung Dân bày tỏ quan điểm:
"Cái “đức” ở đây tôi nói với bạn lớn lắm, nó còn ảnh hưởng từ môi trường xã hội, gia đình… Người đó có được giáo dục tốt ở gia đình hay không, để khi va đập với xã hội biết xử lý theo hướng nào tốt, hướng nào xấu, chọn lọc để ứng xử. Còn trong môi trường của một gameshow, trong thời gian ngắn chúng ta thi, làm tiết mục thì tôi cũng cho đó là một cách học. Học về đạo đức có thể qua từng câu chuyện, tiểu phẩm, đúc kết lại để gửi gắm cho người xem thì đó là học. Cũng có học về nghề đề dàn dựng các tiết mục, kỹ năng biểu diễn nhưng trong thời gian học ngắn như vậy thì không thể khẳng định đó sẽ là người hoàn chỉnh. Nghệ thuật muôn màu, muôn vẻ và có rất nhiều thứ. Học như vậy mà khẳng định mình đã là nghệ sĩ nổi tiếng, giỏi rồi thì không đúng.
Hiện nay là thời buổi “tranh sáng tranh tối”, ai dạn miệng, dạn thân, dạn thể lên YouTube nói một hai câu shock, hoặc biểu diễn một cái gì đó phi nghệ thuật nhưng được nhiều người xem, chia sẻ thì họ tự “vỗ ngực xưng tên” nhận mình là nghệ sĩ. Nhưng còn về nghề nghiệp và cả những tiêu chuẩn tôi đã nêu ra đều không chấp nhận được những trường hợp như vậy".
Tiêu chuẩn của nghệ thuật, hay nghệ sĩ chủ yếu vẫn do khán giả lựa chọn |
Ngoài ra, nghệ sĩ Trung Dân cũng đề cập đến vấn đề "tiêu chuẩn" để được xem là người nghệ sĩ thực sự: "Về những tiêu chuẩn, ai là người đưa ra? Theo tôi là khán giả, chính khán giả là những người tử tế, là những người nuôi sống những người như tôi thì họ sẽ quyết định được. Chúng ta không đi theo đám đông, không đồng lõa với cái xấu, phải biết chia sẻ và chọn lọc. Thời điểm này rất “nguy hiểm”, ngày xưa muốn lên tivi rất khó, còn bây giờ mỗi người một smartphone có thể tự cho mình một kênh truyền hình cá nhân. Họ có thể nói, làm và thể hiện bất cứ điều gì, nhưng điều đó không phải là thứ để chứng minh họ là người có tài, hay họ là nghệ sĩ, họ có thể làm nhiều thứ và đứng chung với nhiều người.
Tôi nghĩ rằng, tiêu chuẩn thì mọi người có thể tự nghĩ, tiêu chuẩn là một cái gì đó mọi người cũng có thể nhìn thấy, nhưng đôi lúc mọi người không nói thôi! Tôi cho rằng tiêu chuẩn đó nên được quy định cụ thể từ cấp quản lý nhà nước, dựa trên mong muốn chính đáng của khán giả. Và quan trọng trong tiêu chuẩn đó vẫn là đạo đức, còn chuẩn nghề nghiệp nếu dở thì có thể học thêm để cải thiện cho giỏi. Học thêm để có thể trở thành người xuất sắc, không có nghề gì là không học, cũng không có nghề nào nói rằng tôi học tới đó là đủ. Ngay cả bản thân tôi vẫn đang phải học, và tôi thấy câu: “Học, học nữa học mãi” của Lenin là chính xác".
Quan trọng nhất của nghệ sĩ là đạo đức, nghề chưa giỏi có thể học thêm |
Học trò nào cũng thương, không giấu nghề!
Có một số bạn trẻ cho rằng, các thầy cô giảng dạy nghệ thuật đôi khi họ vẫn giấu nghề vì nhiều lý do nào đó, trong đó có nguyên nhân họ chỉ muốn truyền hết những gì tinh túy nhất cho học trò thân thiết, còn những học trò khác thì chỉ dạy cho có. Là người trực tiếp giảng dạy ở trường đại học, nghệ sĩ Trung Dân nêu quan điểm: "Trong nghệ thuật, tôi nghĩ vẫn có một số người giấu nghề, còn với cá nhân tôi thì không. Bởi vì tôi nghĩ rằng, mình đã đứng trên cương vị người thầy thì phải yêu thương học trò, không có sự phân biệt. Thậm chí, tôi thấy một số người còn có cả suy nghĩ ích kỷ, sợ dạy cho học trò sau này học trò sẽ thành đồng nghiệp và có thể cạnh tranh với mình, cho nên không có “dại dột” mà dạy những điều hay, “bảo bối” của mình. Còn tôi không có suy nghĩ đó, và tôi đã từng nghe những người làm chung nghề với tôi nói như vậy. Nghe những điều đó tôi thấy hài hước, nhưng đó là suy nghĩ của cá nhân họ, và tôi không nhắc tên ở đây".
Thương đều các học trò và không có chuyện giấu nghề |
Và nghệ sĩ Trung Dân cũng tiết lộ cách dạy nghề cho học trò: "Cách dạy học trò của tôi thế này, vào năm đầu, tôi phát hiện khả năng của ai ở lĩnh vực nào, hay vai diễn nào thì tôi sẽ dạy chuyên môn, khả năng đó để bạn phát triển. Vai độc, vai hài, vai bi… đều được dạy để phát triển chuyên nghiệp theo sở trường, còn sở đoản tôi sẽ dạy sau. Đó là cách của tôi, học trò nào tôi cũng thương và không bao giờ giấu nghề".
Hãnh diện vì là học trò của thầy Nguyễn Văn Phúc
Nghệ sĩ Trung Dân nhắc lại câu nói của thầy Nguyễn Văn Phúc, đồng thời đó cũng là kim chỉ nam trên con đường hoạt động nghệ thuật mà chú đã chọn: "Tôi là học trò của thầy Nguyễn Văn Phúc, người thầy đầu tiên trong nghệ thuật của tôi, và cũng là thầy của chị Thanh Thủy, anh Minh Nhí, anh Quốc Thảo… Và tôi cảm thấy rất hãnh diện, vì thầy dạy và cho tôi cái nghề. Thầy còn dạy tôi một câu, bây giờ tôi vẫn nhớ và đó như là kim chỉ nam, thầy nói: “Con đi vào nghệ thuật bằng con đường nào thì con sẽ đi ra bằng chính con đường đó”. Câu nói này ngắn gọn thôi, nhưng để lại cho chúng ta một suy nghĩ, để chúng ta chọn cho mình con đường đi và sự tồn tại trong thời buổi khó khăn, tranh tối tranh sáng, lẫn lộn nhiều thứ như hiện nay".
Nghệ sĩ Trung Dân luôn nhớ lời dạy của thầy Nguyễn Văn Phúc, và lấy đó là kim chỉ nam theo đuổi nghề nghiệp |
Và ở góc độ của một người thầy hiện nay, nghệ sĩ Trung Dân cũng có những tâm sự và điều nhắn nhủ với các bạn sinh viên vừa bước chân vào học nghệ thuật: "Cuộc sống hiện nay có nhiều thứ để chọn lựa, kể cả cách học, các em chọn tôi làm người hướng dẫn đầu tiên trong nghề biểu diễn thì tôi cảm ơn. Tôi sẽ là người đem hết tâm huyết ra để dạy, và tôi hy vọng rằng học trò của tôi sẽ là những người làm nghề được. Quan trọng là biết trân trọng nghề và không làm những điều để nghề này bị mang tiếng. Hãy sống minh bạch, tự do, và tôn trọng những giá trị cuộc sống này đặt ra!".