Tuy là một "tân binh" của làng nhạc Việt, thế nhưng Roy Nguyễn đã từng là thành viên của nhóm nhạc Z-Boys tại thị trường Hàn Quốc. Đây là nhóm nhạc thần tượng, các thành viên của nhóm được tuyển chọn từ cuộc thi tìm kiếm tài năng âm nhạc tại châu Á. Tham gia Z-Boys, Roy Nguyễn được tham gia nhiều khóa đào tạo tài năng, được học tập và rèn luyện với nhiều chuyên gia quốc tế, đi biểu diễn tại nhiều nước trên thế giới...

Ca sĩ Roy Nguyễn: Không thích môn Văn, thường xuyên bị mời phụ huynh vì môn Toán
Roy Nguyễn từng tham gia nhóm nhạc Z-Boys tại Hàn Quốc

Roy Nguyễn tên thật Nguyễn Hải Hoài Bảo, sinh năm 1996, từng tốt nghiệp Khoa Du lịch - Khách sạn, Đại học Ngoại ngữ - Tin học TP.HCM. Tham gia nhóm Z-boys 2 năm, Roy Nguyễn trở về Việt Nam và chính thức hoạt động âm nhạc với vai trò ca sĩ solo. Nhân dịp ngày 20/11 - Ngày Nhà giáo Việt Nam sắp đến, Netbiz đã có buổi trò chuyện ngắn cùng Roy Nguyễn. Và anh chàng đã có nhiều chia sẻ rất thú vị về khoảng thời gian còn ngồi trên ghế nhà trường.

Phần lớn để theo những nghề có thiên hướng nghệ thuật thì cần phải có năng khiếu là yếu tố quan trọng nhất, vậy với Roy Nguyễn việc học hành bài bản có phải là chìa khóa để đi đến thành công?

Bản thân Roy nghĩ mình cần phải xác định được mục đích của việc mình truyền tải âm nhạc là gì. Với Roy thì việc mình truyền tải được thông điệp và cảm xúc của bài hát là điều mình ưu tiên. Cho nên mình không cho việc học hành bài bản là chìa khoá tiên quyết để đi đến thành công, nhưng đó là một trong những yếu tố cần và đủ để mình có thể truyền tải câu chuyện của âm nhạc qua nhiều cách khác nhau.

Với Roy Nguyễn một người thầy trong nghệ thuật đúng nghĩa là như thế nào? Và người thầy đầu tiên trong nghệ thuật của bạn là ai?

Ca sĩ Roy Nguyễn: Không thích môn Văn, thường xuyên bị mời phụ huynh vì môn Toán
Ca sĩ Mỹ Tâm là người đã truyền cảm hứng để Roy Nguyễn hoạt động nghệ thuật tử tế

Vậy còn khái niệm “giấu nghề” trong việc truyền dạy nghệ thuật, theo Roy Nguyễn là có hay không?

Roy nghĩ là không, bản thân mình đã may mắn có cơ hội được tiếp xúc với rất nhiều người thầy/người cô cả trong nước lẫn ở quốc tế. Và Roy thấy mọi người đều muốn truyền tải hết những kinh nghiệm và trình độ chuyên môn một cách chi tiết nhất. Đâu đó vẫn có sự đa dạng trong cách truyền dạy, nhưng bản thân mình cũng cần đúc kết và tạo ra những giá trị riêng từ những bài học của thầy/cô.

Không chỉ trong nghệ thuật, mà bất cứ ngành nghề nào, hoặc thậm chí là lúc nhỏ khi đi học cũng sẽ xuất hiện một số thầy cô mình không thích? Roy có thể kể về người thầy, người cô nào đó mà mình không thích? Và tại sao lúc đó lại không thích, còn bây giờ thì sao?

Câu hỏi này làm Roy nhớ đến một người cô, dạy môn Vật Lý tại trường trung học cơ sở của mình. Thời điểm đó mình là thành viên của đội văn nghệ trường, và những lúc cần tập để đi thi giải thì sẽ được ưu tiên “trốn tiết”, và lúc đó vô tình trúng tiết của cô. Cô là giáo viên duy nhất phản đối việc “trốn tiết” chính quy để phục vụ cho câu chuyện đoàn - hội. Cô có nói “Nếu em nghĩ việc tập hát giúp em thành công được thì em có thể đi”. Khoảnh khắc đó mình thật sự khó xử, nhưng mình đã quyết định đi tập hát cùng lời hứa điểm số với cô.

Còn thời điểm hiện tại thì đó là một trong những kỷ niệm đặc biệt của tuổi thơ, mình đã dám đấu tranh vì điều mà mình không dám chắc chắn vào nó nhưng đến bây giờ mình vẫn đang đấu tranh để theo đuổi đam mê đó. Đó cũng là thông điệp mà Roy cũng muốn truyền tải trong suốt khoảng thời gian hoạt động nghệ thuật của mình.

Ca sĩ Roy Nguyễn: Không thích môn Văn, thường xuyên bị mời phụ huynh vì môn Toán
Roy Nguyễn từng lựa chọn "trốn tiết" Vật Lý để theo đuổi đam mê nghệ thuật

Thời còn học sinh Roy có từng bị điểm kém môn học nào chưa? Và cảm xúc lúc đó ra sao? Còn môn học tốt nhất thì sao? Môn học đó có bổ trợ thêm điều gì cho công việc hiện tại?

Bản thân là học sinh khá - giỏi trong 12 năm học, điểm số tương đối cao nhưng có duy nhất một môn kéo toàn bộ điểm xuống thấp đó là môn Văn. Với Roy, môn Văn cực kỳ khô khan và nó hoàn toàn không thú vị ở thời điểm đó.

Ngoài chuyện luôn có số điểm cao trong môn Âm Nhạc ra thì nhờ có Toán nên điểm số của mình luôn ở mức tốt. Nhưng Toán luôn là bộ môn khiến mình bị mời phụ huynh nhiều nhất vì Roy được học trong lớp chuyên Toán, chỉ cần điểm dưới 9.5 thì ba mình cứ phải trong tư thế là chuẩn bị lên gặp cô chủ nhiệm.

Ca sĩ Roy Nguyễn: Không thích môn Văn, thường xuyên bị mời phụ huynh vì môn Toán
Vì học chuyên Toán nên điểm môn này luôn phải trên 9,5 nếu không sẽ bị mời phụ huynh

Trong ngày tri ân nhà giáo, thường anh chị sẽ làm điều gì để tỏ lòng biết ơn với thầy cô giáo của mình?

Đầu tiên Roy sẽ nhắn tin cảm ơn từng giáo viên mà mình may mắn vẫn còn giữ được liên lạc, sau đó sẽ là 1 bài đăng trên mạng xã hội để cảm ơn những người đã đến trong cuộc đời mình cùng những bài học quý giá, dù như thế nào thì họ cũng giúp cho mình có những nhận thức đúng đắn hơn và trưởng thành hơn.

Thời đi học, bạn là con ngoan trò giỏi hay là một dạng học sinh cá biệt? Bạn thấy học sinh thời nay và học sinh ngày xưa có gì khác nhau không?

Có thể nói Roy là con ngoan - trò cá biệt. Mình rất nghe lời người lớn nhưng cũng rất nghịch ngợm, bản thân cũng tham gia nhiều phong trào trường lớp nên cũng hay “mong” được “trốn tiết” đi tập văn nghệ.

Ca sĩ Roy Nguyễn: Không thích môn Văn, thường xuyên bị mời phụ huynh vì môn Toán
Roy Nguyễn là một người "con ngoan - trò cá biệt"

Roy có thể gửi một lời chúc đến thầy cô hoặc người thầy, người cô mà Roy yêu quý nhất.

Ngày Nhà Giáo Việt Nam 20/11 lại tới cũng là lúc em có cơ hội để gửi đến những người xuất hiện trong cuộc sống của mình lời chúc tốt đẹp và chân thành nhất, cảm ơn những người thầy, người cô đã luôn xuất hiện ở những thời điểm em cần lời khuyên, những bài học trong cuộc đời. Mong cho tất cả sẽ được bình an và mạnh khoẻ!