Cô dâu Việt cùng chồng Ấn nổi tiếng trên mạng xã hội tiết lộ lễ cưới kéo dài liên tục ba ngày ba đêm
Tình yêu qua mạng xã hội “đời đầu”
Nếu như hiện nay việc làm quen, kết thân hay yêu nhau qua mạng xã hội là chuyện rất bình thường thì cách đây hơn 10 năm, mặc dù internet đã phổ biến thì với số đông thì câu chuyện này vẫn khó được chấp nhận và xem như một vấn đề nghiêm túc. Chưa kể việc chấp nhận yêu nhau mà còn yêu xa thì lại càng khó có thể đi đến một kết quả như ý. Thế nhưng, câu chuyện tình cảm của chị Mỹ Ân và anh Mohit đã bắt đầu từ mạng xã hội, với khoảng cách hàng ngàn kilomet (Việt Nam - Ấn Độ) họ đã dành cho nhau tình yêu thật sự, và đi đến hôn nhân với nhau.
- Chị có thể kể về cơ duyên để anh và chị quen biết nhau?
Trước khi mình cưới là tụi mình quen nhau 5 năm online, thời tụi mình thì không hề có app Tinder để quẹt ra chồng (haha), mình đơn giản là gặp nhau trên mạng xã hội Tag, rồi liện hệ qua Yahoo. Sau đó là là sự bùng nổ công nghệ của Skype, các app chat trên điện thoại, rồi Gmail. Nhìn chung tình yêu mình lớn theo sự phát triển công nghệ thông tin. Để so sánh chuyện yêu xưa và giờ thì khó nói lắm, do yêu xa chủ yếu là sự đồng điệu về tâm hồn, và tin tưởng lẫn nhau, yêu thì cưới thôi à!!!
Chị Mỹ Ân và anh Mohit thời quen nhau online |
- Trong khoảng thời gian yêu nhau, điều gì với chị là vui nhất và điều gì là không vui nhất?
Tình yêu online của mình diễn biến từ kết bạn chơi và sau đó tiến thành tri kỷ. Tụi mình nhắn tin, chia sẻ mọi thứ trên trời dưới đất. Cho nên có thể nói tình yêu online tuổi thanh xuân này là điều đáng nhớ nhất. Còn kỷ niệm không vui là có người thứ ba xen vào, thế nhưng tụi mình đã vượt qua được khoảng thời gian buồn đó.
- Quen nhau bao lâu thì anh chị đi đến hôn nhân? Ai là người ngỏ ý trước và thuyết phục đối phương như thế nào?
Tình bạn, tình yêu của mình kéo dài 5 năm và tụi mình quyết định gặp nhau. Anh ấy là người hứa trước, nếu như anh không qua Việt Nam là lúc đó tụi mình chia tay. Bởi vì yêu online vắt kiệt cả tinh thần và thể xác. Năm đó vào năm 2017, anh đã mua vé máy bay để thực hiện 50% lời hứa ấy. Lần đầu tiên tụi mình gặp nhau tại sân bay và đương nhiên chỉ trong 1 giây là cả hai nhận ra nhau. Tụi mình đối xử với nhau như đã quen nhau ngoài đời lâu lắm rồi kìa. Và đó là nguyên nhân tụi mình quyết đi tới hôn nhân.
Lần gặp mặt đầu tiên của hai vợ chồng sau 5 năm yêu online |
Ba mẹ và những người xung quanh nói gì?
Việc lấy chồng người nước ngoài không còn quá xa lạ ở Việt Nam, song cách đây gần 10 năm thì lại khác. Người Việt Nam dường như vẫn chưa có quá nhiều sự tìm hiểu về đất nước ở khu vực Nam Á này. Họ có vẻ cảm thấy gần gũi với chồng Đài Loan, chồng Mỹ, chồng Pháp… hơn là chồng Ấn Độ.
- Khi quen với ông xã, chị có công khai với người thân hoặc những người xung quanh chuyện mình đang yêu một người đàn ông Ấn Độ?
Hơn mười mấy năm về trước, mình thấy mọi người xung quanh mình cũng không suy nghĩ hay ý kiến nhiều về người Ấn, thậm chí bản thân mình còn không rõ nước Ấn ra sao. Cho nên khi mình công khai thì gia đình cũng không có phản ứng gì gọi là "shock" cả. Chắc mọi người cũng hiểu là tính mình sẽ lấy người nước ngoài. Chắc do thấy mình thích học Tiếng Anh, xem phim hay nghe nhạc Anh nhiều!
Dường như chuyện lấy ông xã người nước ngoài của chị Mỹ Ân đã được ba mẹ "đoán" trước |
Vậy còn với chuyện kết hôn với ông xã người Ấn, ba mẹ chị đã ý kiến thế nào? Hay với ba mẹ chồng, họ có đồng ý một cô con dâu người Việt?
Ba mẹ mình rất quý anh vì anh qua Việt Nam gặp gỡ con gái mình và ba mẹ không bao giờ cản trở quyết định gì của mình hết cả. Đó là điều may mắn của mình, do ba mẹ rất thương con gái.
Còn về phía ba mẹ anh, người Ấn vốn không thích ngoại quốc vì bất đồng ngôn ngữ và đặc biệt nhất là văn hóa nên ban đầu họ không chấp nhận. Thế nhưng, ba mẹ mình đối xử anh rất tốt và cả bản thân mình đặt anh lên hàng đầu do anh vượt vạn dặm đến vì mình. Cho nên dần dần tình cảm và sự quan tâm của gia đình mình đã thuyết phục được bên Ấn.
Chị Mỹ Ân cùng ba mẹ chồng |
- Giai đoạn trước người Việt Nam vẫn thường đánh giá cao việc phụ nữ lấy chồng Mỹ, chồng Tây. Việc lấy chồng Ấn Độ dường như là một khái niệm khá xa lạ, thậm chí có người còn đánh giá luôn là lấy chồng Ấn sẽ khổ. Chị có từng nghe những lời thị phi thế này từ họ hàng hay hàng xóm?
Thật ra từ khi quen và lấy chồng đến bây giờ, điều mà mình nghe nhiều nhất và nhớ mãi từ người thân và hàng xóm về chồng mình là: “Đẹp trai dữ bây!”. Về phía chồng mình, anh ấy là người rất vui tính, luôn được mọi người yêu thương nên thực tế mình chưa từng nghe bất cứ lời thị phi nào cả. Chỉ có điều mình hay nghe mọi người thắc mắc, không biết tại sao hai đứa mình quen nhau được mà hay vậy?
Lễ cưới kéo dài ba ngày ba đêm
Chị Mỹ Ân là người Việt Nam, anh Mohit là người Ấn Độ. Từ thế giới ảo, họ trở về thực tại và xác định sẽ tiến đến hôn nhân cùng nhau. Chính vì thế, đám cưới giữa một người Việt Nam và một người Ấn Độ hẳn sẽ rất đặc sắc. Để tỏ lòng biết ơn và tôn trọng quê hương, hai anh chị đã quyết định tổ chức lễ cưới ở cả Việt Nam và Ấn Độ.
Lễ cưới của chị Mỹ Ân và anh Mohit theo truyền thống Việt Nam |
- Chị có từng làm dâu bên Ấn và cảm nhận của chị ra sao?
Mỗi năm mình đều đi sang Ấn thăm nhà chồng từ một đến hai lần, nhưng để nói làm dâu bên Ấn thì mình mình không có. Công việc chính của hai vợ chồng mình hiện nay vẫn đang ở bên Việt Nam.
Theo quan sát của mình, các nàng dâu Ấn khu nhà chồng mình thường ở nhà chăm lo nhà cửa, con cái. Nếu như dâu muốn đi làm thì gia đình chồng cũng sẽ không phản đối.
Mỗi năm, hai vợ chồng sẽ về thăm Ấn Độ từ một đến hai lần |
- Vậy còn đám cưới của chị theo văn hóa Ấn Độ thì như thế nào?
Người Ấn khi đã quen biết bạn thì sẽ rất thân thiện! Ngày mình đám cưới ở Ấn, bà con dòng họ hai bên cha mẹ chồng đến chúc mừng, phụ đám cưới. Để tính xem sơ sơ ba chồng có 3 người em, còn chưa kể các bác của bên ba. Rồi bên mẹ chồng cũng 3 người em, rồi sau đó là cháu, chít... Ta nói đến ào ào, và mình còn nhớ là phải dựng lều ngoài nhà cho cánh đàn ông ngủ ngoài đó, và phụ nữ ở trong nhà.
Nghi thức trét nghệ vàng cho cô dâu |
Đám cưới mình diễn ra trong ba ngày ba đêm lận, ba ngày đó mình tưởng "tẩu hỏa nhập ma" ngôn ngữ do chào liên tục vì mối quan hệ gia đình rộng quá chừng luôn. Đấy nhờ vậy, mình học thêm mớ tiếng Hindi từ vựng về gia đình...
Đám cưới nhận được rất nhiều sự quan tâm, yêu thương của người thân và hàng xóm |
Cảm động nữa là vài cô dắt mình đi mua sắm, rất quan tâm nàng dâu. Vài bác lớn còn sẽ ủng hộ thêm hiện kim cho ba mẹ chồng tổ chức đám cưới, hoặc có người cô qua giúp các nghi lễ trong nhà trọn vẹn, đặc biệt nấu nướng cho đại gia đình. Nhớ không khí ấm cúng đó lắm ạ!
Hàng xóm láng giềng thân thì qua chơi hay các em trẻ nói chuyện với mình để hai bên tìm hiểu nhau và mình không thấy cô đơn vì mình qua một mình với mẹ và trong ngày cưới.
Mẹ ruột là người thân tham gia lễ cưới bên Ấn của chị Mỹ Ân |
Ai cũng bận rộn, cô dâu là mình thì chỉ trong phòng lo làm lễ hay lên sân thượng thôi! Mình thấy tình anh em, bà con, hàng xóm láng giềng rất mạnh mẽ. Họ thật sự chúc mừng mình và đặc biệt yêu mến những ai tôn trọng, quan tâm văn hóa của họ.
Chị Mỹ Ân trong trang phục cô dâu Ấn Độ truyền thống |
Gia đình hiện tại của hai vợ chồng đã có thêm thành viên thứ ba là bé Krishna (3 tuổi) |
Yêu nhau qua mạng xã hội suốt 5 năm, bằng sự tin tưởng vào đối phương, hai anh chị đã cho nhau cơ hội biến tình yêu "nửa thật nửa ảo" ấy thành một câu chuyện ngoài đời thực. Không chỉ vậy, tình yêu này lại là nguồn cảm hứng, cũng như là nguồn năng lượng tích cực cho các cặp đôi đang yêu xa. Đôi khi "xa mặt" vẫn không thể "cách lòng". Điều quan trọng là trong chúng ta, đối phương có ý nghĩa như thế nào, có xứng đáng để cùng ta cố gắng và quan trọng hơn cả là chính chúng ta có thật sự dành cho họ tình cảm thật lòng hay không?