Những ngày rét mướt, ‘thầm thương trộm nhớ’ bát ốc luộc vỉa hè Hà Nội
Ốc, đặc biệt là những quán ốc vỉa hè đã quá quen thuộc với hội mê ăn uống. Cái món tưởng giản đơn mà không hề đơn giản này lại càng được yêu thích nhiều hơn khi tiết trời ngày càng lạnh và nồm như Hà Nội mấy ngày nay.
Khác với Sài Gòn, ốc Hà Nội không có các loại ốc xào hay ốc rang me. Ốc chuẩn vị thủ đô bao gồm các loại ốc vặn, ốc đá hay ốc mít, mà thực khách hay gọi dân dã là "ốc to, ốc nhỏ", luộc với sả và lá chanh, ăn kèm nước mắm gừng và ớt, phải lấy phần thịt ốc bằng gai bưởi hoặc miếng sắt tây tỉa nhọn.
Từ già đến trẻ, ai cũng có thể ăn được ốc, thậm chí ăn mãi không chán. Cứ ngồi tụm nhau 2-3 người, nói dăm ba câu chuyện là đã "xử" xong một nồi ốc luộc. Ốc mới luộc còn nóng hổi, con nào cũng vàng ươm, béo ngậy, ăn vừa có độ giòn và dai chút ít. Mùi sả, mùi lá chanh quyện với nước mắm gừng và ớt, chỉ nghĩ tới thôi đã chảy nước miếng.
Cái làm nên điểm đặc biệt nhất của các quán ốc luộc Hà Thành chính là bát nước chấm. Với mỗi hàng, mỗi tay nghề, người bán lại có gu pha chế riêng biệt, tạo nên cái danh của bao hàng ốc nổi tiếng ở đây nhưng gần như chỉ có những thành phần cơ bản: nước mắm nguyên chất pha thêm chút chanh và gừng, đập ít xả, thái nhỏ lá chanh và ớt tươi.
Ăn ốc phải từ tốn, chầm chậm lấy phần thịt ốc ra, rồi chấm thật đẫm vào bát nước mắm, để vị mặn, cay, chua thấm vào từng miếng thịt, cứ thế đưa cả lên miệng mà ăn và xuýt xoa, để cảm thán tại sao ông bà ta lại nghĩ ra được sự kết hợp hoàn hảo đến vậy giữa các thành phần có trong món ốc.
“Hàng ốc” đi liền với chữ “vỉa hè” chắc là sự kết hợp cân xứng nhất với độ ngon của một bát ốc luộc đầy ắp. Điều đó cũng tạo nên những đặc trưng rất riêng trong văn hoá ăn uống của người Hà Nội.