Rối loạn tâm lý sau sinh gây trầm cảm và những hậu quả nghiêm trọng khác
Các triệu chứng rối loạn tâm lý sau sinh thường xuất hiện vào khoảng ngày thứ 3 đến ngày thứ 11 sau khi sinh, đôi khi có thể kéo dài lên đến 2 tháng. Theo WHO, cứ 7 người phụ nữ sau sinh sẽ có 1 người mắc bệnh trầm cảm và có những biểu hiện tâm lý bất thường, thậm chí có thể mắc bệnh tâm thần.
Tham gia chương trình “Nhật Ký Hạnh Phúc #59”, Bác sĩ Trần Thu Hằng - Chuyên khoa I - Khoa Phụ sản cho biết phụ nữ sau khi sinh thường tâm lý chưa ổn định, dễ bị ảnh hưởng bởi các vấn đề stress và sốc vì áp lực vấn đề chăm sóc con. Đặc biệt là tình trạng mất ngủ, lo âu vì phải liên tục thức đêm để chăm con dẫn đến mất cân bằng cuộc sống và ảnh hưởng nặng nề đến đồng hồ sinh học của cơ thể.
Trầm cảm sau sinh là gì
Theo bác sĩ chuyên khoa I - Trần Thu Hằng - Khoa phụ sản, trầm cảm sau sinh là tình trạng rối loạn tâm lý cực đoan và có mối liên hệ mật thiết với cảm xúc của người phụ nữ. Phụ nữ sau sinh thường có tình trạng sức khỏe yếu dẫn đến những ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm lý khi phải thích nghi với những thay đổi mới trong cuộc sống.
Trầm cảm sau sinh là tình trạng rối loạn tâm lý cực đoan - Hình minh hoạ |
Phụ nữ mắc trầm cảm sau sinh thường có các biểu hiện như buồn, chán nản, thờ ơ,... có xu hướng làm hại bản và con của mình vì vấn đề tâm lý không ổn định.
Nguyên nhân dẫn đến trầm cảm sau sinh
Bác sĩ Hằng chia sẻ, nguyên nhân trầm cảm sau sinh là sự tổng hòa của nhiều yếu tố khác nhau như:
-
Chưa thích nghi được với vấn đề chăm con
-
Tăng cân
-
Tâm lý lo lắng
-
Áp lực gia đình
-
Nỗi đau khi sinh nở
-
Các vấn đề cương sữa, tắc sữa
Phụ nữ sau sinh dễ bị ảnh hưởng tâm lý bởi nhiều yếu tố khác nhau. Vì vậy, mọi người xung quanh cần phải cực kỳ cẩn trọng trong việc giao tiếp và chăm sóc mẹ bầu đang trong giai đoạn chăm sóc con. Không được phê bình hay so sánh khả năng chăm con của người mẹ, thường xuyên chia sẻ và tâm tình để tâm trạng người mẹ được thoải mái và vui vẻ, hỗ trợ người phụ nữ công việc nhà và chăm con nhằm giải tỏa bớt áp lực cho họ.
Biểu hiện của trầm cảm sau sinh
Các biểu hiện lâm sàng của phụ nữ sau sinh gồm có:
-
Buồn
-
Chán nản
-
Thờ ơ
-
Không hứng thú với các hoạt động xung quanh
-
Rối loạn ăn uống
-
Tự cô lập bản thân
Hậu quả của trầm cảm sau sinh
Bác sĩ Trần Thu Hằng cho biết trầm cảm sau sinh có nhiều hậu quả nghiêm trọng tới đời sống tinh thần và sức khỏe ở người phụ nữ. Phụ nữ mắc phải trầm cảm sau sinh sẽ bị suy giảm sức khỏe tinh thần trầm trọng, không còn hứng thú với công việc, cô lập bản thân và mất dần các mối quan hệ xã hội. Nền tảng sức khoẻ lúc này cũng bị suy giảm do tình trạng mệt mỏi kéo dài và mất ngủ triền miên.
Trong những trường hợp không phát hiện trầm cảm sớm sẽ dễ mắc phải các vấn đề có hành vi cực đoan tự làm hại tới bản thân hay con của mình do các vấn đề tâm thần nhẹ hoặc nặng.
Trẻ em khi lớn lên trong môi trường bất ổn tâm lý, thường xuyên phải tiếp xúc với người mẹ cũng sẽ dẫn đến sự phát triển bất ổn, có những biểu hiện không bình thường về mặt tâm lý như rối loạn ngôn ngữ, rối loạn nhận thức và giao tiếp…
Điều trị trầm cảm sau sinh như thế nào
Người phụ nữ sau khi sinh cần có sự quan tâm động viên chia sẻ từ người thân, bạn bè. Cần thường xuyên nói chuyện với chuyên gia và tập hợp các nhóm chia sẻ với các mẹ bỉm sữa để cùng nhau động viên và vượt qua các khó khăn.
Tập hợp các nhóm mẹ bỉm sửa để chia sẻ - Hình minh hoạ |
Đối với những trường hợp nặng hơn, cần phải nhận được liệu pháp điều trị từ các chuyên gia để tiến hành những buổi điều trị tại nhà. Điều trị tại nhà vô cùng quan trọng bởi người phụ nữ sau sinh thường gặp khó chịu khi tiếp xúc với các khoảng không gian không quen thuộc, vì vậy điều trị tại nhà mang lại cảm giác thân thiện - gần gũi và hiệu quả cho việc hồi phục.
Một số trường hợp sẽ được tiến hành điều trị bằng thuốc khi bắt đầu có những hành vi tiêu cực giúp cải thiện dẫn truyền thần kinh, hạn chế xung đột. Phương pháp sử dụng sóng điện để điều trị trầm cảm cũng là một trong các phương pháp được áp dụng khi vấn đề trầm cảm sau sinh trở nên nghiêm trọng.
Trầm cảm sau sinh là tình trạng vô cùng nguy hiểm có thể ảnh hưởng đến sức khỏe cá nhân và cuộc sống gia đình. Người chồng và người thân nên thường xuyên chăm sóc và chia sẻ cùng người phụ nữ để cùng nhau vượt qua những khó khăn trong thời gian trước và sau khi sinh.