Bức tranh do họa sĩ Nguyễn Trí Minh vẽ vườn ao Giverny 1 được trưng bày tại triển lãm "Sứ giả hội họa" (Vy Gallery - TP HCM) thu hút sự chú ý. Bức này được niêm yết giá bán tại triển lãm là 100.000 USD.

Dày đặc triển lãm tranh

Triển lãm "Sứ giả hội họa" bao gồm 24 bức tranh rút ra từ bộ sưu tập của bà Pauline Nhung Nguyễn - bạn đời của cố họa sĩ Nguyễn Trí Minh. Tranh của Nguyễn Trí Minh thường ngọt ngào, mượt mà, lắng đọng nhưng cũng chuyển tải tinh thần tươi mới, trẻ trung và rạng rỡ. Những sắc cọ thường loang ra một cách tự nhiên và uyển chuyển khiến bầu không khí tác phẩm thật nhẹ nhàng và bình yên.

Trong số 24 bức tranh của họa sĩ Nguyễn Trí Minh tại triển lãm "Sứ giả hội họa", một số bức tranh được đánh dấu bằng chiếc nơ đỏ. Ban tổ chức cho biết "đó là những bức tranh đã được mua. Khách hàng sẽ lấy tranh về nhà sau khi triển lãm kết thúc".

Thị trường hội họa bất ngờ sôi động - Ảnh 1.
Một tác phẩm tranh tại triển lãm “Sứ giả hội họa” của Nguyễn Trí Minh

Được biết, trong khoảng 10 năm trở lại đây, vài chục lượt tác phẩm của Nguyễn Trí Minh đã được đấu giá thành công. Từ năm 1975 đến khi qua đời, 90% số tranh vẽ được người Mỹ và Tây phương sở hữu. Điều đó cho thấy người họa sĩ không cần cố gắng để tạo nên sự khác biệt, mà hãy nhận ra chính mình và nơi mình sinh ra đã là một khác biệt.

Triển lãm "Làm màu" của nhà thơ - họa sĩ ng.anhanh tại Chu Artspace cũng được đánh giá cao. Đúng như tên gọi triển lãm, ng.anhanh dùng mực tàu, oil stick, chì, bút lông... trên chất liệu giấy mộc mạc. Họa sĩ này bày tỏ: "Chủ đề "làm màu" đơn giản chỉ là sáng tác theo đúng nghĩa đen của nó, chính là chơi đùa và thực hành với màu sắc".

Từ giữa tháng 2 đến nay và cả những ngày sắp tới, hàng loạt triển lãm cá nhân tiếp tục ra mắt công chúng tại TP HCM. Có thể kể đến triển lãm "Bóng thời gian" của họa sĩ Đặng Thị Phượng tại The World Artspace với các tác phẩm tranh sơn mài. Đặng Thị Phượng chọn cách tiếp cận Huế ở khía cạnh tiểu tự sự, để câu chuyện đủ vừa vặn, đủ riêng tư và đủ tự do. Phượng chắt lọc các họa tiết, câu chuyện từ trong kiến trúc, di sản Huế để tái truyền đạt, tái kiến thiết trong không gian mới.

Trong khi đó, triển lãm "Đi biển có đôi" của họa sĩ Nguyễn Công Hoài giới thiệu 40 bức tranh sơn dầu kể về hành trình thai nghén của người phụ nữ qua những lần "vượt cạn". Mỗi bức tranh cho người xem những cung bậc cảm xúc khác nhau trong hành trình "đi biển" khó khăn của người phụ nữ.

Ngoài ra còn có triển lãm của họa sĩ Trần Lưu Mỹ với chủ đề "Khoảng trống II - The void II" dự kiến khai mạc vào ngày 10-3, hay "Ngược dòng" - nửa thế kỷ hội họa của Đào Minh Trí, sẽ khai mạc vào ngày 22-3.

Ai mua tranh?

Khoảng 5 năm gần đây, triển lãm cá nhân của các họa sĩ đều không bị thua lỗ. Bởi "người Việt mua tranh Việt, tuy chưa thật nhiều nhưng cũng đủ để duy trì công việc sáng tác, tái tạo triển lãm" - giới chuyên môn cho hay.

Những người trong cuộc còn nhận định là thị trường mỹ thuật của Việt Nam những năm gần đây sôi động không thua kém nước ngoài. Và điều đó phần nào biểu thị sự thăng hạng của mỹ thuật Việt. Tất nhiên, nhận định này dành cho lớp họa sĩ trẻ. Bởi tác phẩm hội họa của những tên tuổi, cây đa cây đề của mỹ thuật Việt luôn có mức giá rất cao trong các buổi đấu giá tranh ở các nhà đấu giá nước ngoài. Thậm chí, tranh Việt đang tạo nên những cơn sốt triệu đô ở các sàn đấu giá châu Âu. Trong năm 2021, có đến 8 tác phẩm của các họa sĩ Việt (Trường Mỹ thuật Đông Dương) được đấu giá triệu đô trên các sàn quốc tế.

Giới họa sĩ nhìn nhận rằng 90% số tranh bán tại các triển lãm, đặc biệt họa sĩ trẻ, là người Việt mua. Họ có thể là những nhà sưu tập đã có nhiều tranh Việt, giờ muốn mua thêm. Hoặc là những người mới bắt đầu, tập chơi tranh, muốn chọn những tác giả cùng thời, giá hợp lý. Hoặc cũng có thể chỉ là những trung lưu trí thức, muốn mua vài tranh trang trí nhà cửa".

"Trước đây người Việt thường mua tranh in, tranh chép về treo trong nhà. Gần đây thì nhiều người thích chơi tranh nguyên tác, có tác giả, nên họ tìm đến các triển lãm cá nhân" - nhà nghiên cứu mỹ thuật Ngô Kim Khôi thông tin.

Tuy nhiên, hiện tượng này nói thay cho sự "khởi sắc" của tranh Việt. Giới chuyên môn cho rằng những tác phẩm hội họa của Việt Nam xuất hiện trên các sàn đấu giá để thế giới biết đến nghệ thuật Việt Nam là một tín hiệu đáng mừng. Song cũng phải đặt câu hỏi là những tác phẩm ấy vào tay ai? Có phải những bảo tàng lớn không? Có phải những nhà sưu tập thế giới nổi tiếng và thường xuyên có hoạt động trưng bày tác phẩm hay không?

Khi đa số tranh chỉ về tay các nhà sưu tập trong nước thì việc bán được tranh giá đắt cũng chưa nói lên điều gì lớn lao và chưa tạo được sự bền vững cho con đường phát triển của hội họa Việt Nam.