Bao giờ Việt Nam có 'biên kịch vàng'?
Gần đây, phim dài tập "Glory 2" (Vinh quang trong thù hận 2) của Hàn Quốc đã giữ vị trí số 1 Netflix toàn cầu chỉ sau 3 ngày phát sóng. Những chia sẻ, bàn luận về phim phủ sóng các trang thông tin ở Việt Nam, vốn cũng đã yêu thích "Glory" phần đầu qua diễn xuất của nữ chính Song Hye-kyo và dàn diễn viên. Câu chuyện phim hấp dẫn, cách kể lôi cuốn khiến phim trở thành một trong các tác phẩm mới nhất của Hàn Quốc tạo được dấu ấn trong lòng khán giả.
Biên kịch của phim này là Kim Eun-sook - một trong những "biên kịch vàng" của làng phim Hàn Quốc, từng đứng sau thành công của các phim: "Hậu duệ mặt trời", "Khu vườn bí mật", "Yêu tinh", "Quý ngài ánh dương"… Trước khi có sự thành công vang dội của "Glory", Kim Eun-sook đã nhận thù lao gần 2 tỉ đồng mỗi tập phim, không thua kém diễn viên ngôi sao Hàn Quốc.
Ngoài Kim Eun-sook, Hàn Quốc còn có Park Ji-eun - người viết kịch bản phim "Vì sao đưa anh tới", "Hạ cánh nơi anh"... - thù lao hơn 2 tỉ đồng một tập phim; Kim Soo-hyun - biên kịch của phim "Sự phẫn nộ của người mẹ" - cũng có thù lao hơn 2 tỉ đồng mỗi tập phim; Park Hye-ryun - biên kịch phim "I hear your voice", "Pinocchio"... - nhận thù lao hơn 1 tỉ đồng mỗi tập.
Cảnh trong phim “Glory”. (Ảnh do nhà sản xuất cung cấp) |
Nhìn vào thù lao và vị thế của biên kịch Hàn Quốc nói riêng và nhiều nước khác nói chung, biên kịch Việt Nam không khỏi chạnh lòng. Thị trường phim Việt mãi vẫn chưa có được "biên kịch vàng" là do chưa có được thù lao và vị thế tương xứng, sự tôn trọng đúng nghĩa. "Biên kịch vàng" không chỉ có thù lao cao, mà còn có quyền lựa chọn đạo diễn, diễn viên cho dự án của mình. Họ được tôn trọng xuất hiện ở các họp báo ra mắt phim, được khán giả tìm hiểu và biết đến là người sáng tác ra bộ phim chứ không phải nhắc đến thành công của phim đa số chỉ biết đến tên đạo diễn, diễn viên như ở thị trường Việt Nam.
"Hiện nay, một số bạn trẻ yêu thích nghề biên kịch đã dấn thân để tìm cơ hội công việc, họ chấp nhận hạ giá thành kịch bản thấp hơn chuẩn" - biên kịch Kim Ngọc trăn trở.
Theo những người trong cuộc, điện ảnh Việt hiện nay các phim đa phần do tư nhân sản xuất và họ thường chọn kịch bản theo hướng tự viết hoặc đạo diễn phim sẽ can thiệp chỉnh sửa rất nhiều phần kịch bản và ghép tên chung. Sự phát triển của đội ngũ biên kịch vẫn chưa tương xứng với tốc độ phát triển của thị trường phim cả về vật chất lẫn vị thế.
Đến khi nào những vấn đề này được cải thiện, thị trường phim Việt mới có thể mơ đến dàn "biên kịch vàng" như cách Hàn Quốc và các nước có nền điện ảnh phát triển đang có.