Chứng khoán tuần cuối trước Tết Nguyên đán: Xả hàng hay gom mua chờ bứt phá?
Theo các chuyên gia thuộc Công ty Chứng khoán MB (MBS), thị trường tuần này sẽ có diễn biến tích cực, khi các yếu tố bất lợi trong nước đã qua trong khi thị trường không có nhiều phản ứng với các diễn biến bên ngoài.
“Nhà đầu tư có thể tiếp tục mua gom đối với nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, đặc biệt là nhóm cổ phiếu ngân hàng khi nhóm này đã có thời gian tích lũy, khả năng giảm thêm sẽ ít hơn so với triển vọng về lại đỉnh cũ hồi tháng 6/2021”, báo cáo của MBS nêu.
Thị trường chứng khoán được dự báo sẽ diễn biến đi ngang trong tuần gia dịch cuối năm Tân Sửu. |
Tương tự, nhóm phân tích đến từ Công ty Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS) cũng cho rằng trong tuần giao dịch cuối cùng của năm Tân Sửu, VN-Index có thể sẽ hồi phục trở lại với mục tiêu là vùng kháng cự gần nhất trong khoảng 1.475 - 1.490 điểm.
Do đó, nhà đầu tư tham gia bắt đáy trong phiên 12/1 đã gia tăng tỷ trọng cổ phiếu trong phiên 18/1 có thể tiếp tục nắm giữ danh mục hiện tại và gia tăng thêm tỷ trọng cổ phiếu nếu thị trường có nhịp điều chỉnh về vùng hỗ trợ 1.400 - 1.450 điểm.
Trong khi đó, Công ty Chứng khoán VCBS cho rằng, tâm lý chung trên thị trường vẫn đang trong trạng thái tương đối “dè dặt” đối với nhóm cổ phiếu trụ cột, nhất là trong bối cảnh các chỉ số chứng khoán chính của Mỹ và châu Á đều diễn biến tiêu cực. Mặt khác thị trường đang trong giai đoạn giằng co và không có xu hướng rõ ràng trong bối cảnh thiếu vắng thông tin hỗ trợ.
“VCBS khuyến nghị nhà đầu tư có thể chủ động giảm tỷ trọng cổ phiếu và tăng tỷ trọng tiền mặt trong danh mục. Tiếp tục theo dõi những thông tin tiếp theo về kinh tế vĩ mô trong nước cũng như diễn biến của đại dịch COVID-19 để lên kế hoạch cơ cấu lại danh mục cho cả năm 2022”, các chuyên gia của VCBS nhấn mạnh.
Khối phân tích của Công ty Chứng khoán Asean (AseanSC) cũng cho rằng nhà đầu tư cần thận trọng trước khi ra quyết định mua đuổi, nhất là khi đà tăng đang có dấu hiệu chững lại.
AseanSC dự báo trong phiên giao dịch hôm nay 24/1, áp lực bán tại vùng kháng cự gần 1.475 – 1.480 điểm có thể khiến chỉ số VN-Index quay đầu giảm điểm trong phiên sáng, để kiểm tra vùng hỗ trợ gần 1.465 – 1.470 điểm và xa hơn là vùng hỗ trợ 1.455 – 1.460 điểm.
Tuy vậy sự giằng co được kỳ vọng sẽ xuất hiện ở vùng giá thấp và có thể giúp chỉ số hồi phục nhất định sau đó, trước khi có sự phân định xu hướng rõ ràng hơn về cuối ngày.
Đồng quan điểm, nhóm chuyên gia của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng nhịp hồi phục của VN-Index đang chậm lại và thận trọng trước vùng 1.478 điểm. Áp lực cản tạm thời vẫn chưa lớn nên thị trường vẫn trong trạng thái giằng co và thăm dò.
Diễn biến tăng giá trên thị trường đang có phân hóa mạnh, chỉ tập trung ở một số nhóm cổ phiếu nhất định, nên mức độ ổn định của thị trường chưa tốt. VN-Index sẽ tiếp tục thăm dò và có thể vẫn gây lực cản cho VN-Index.
“Nhà đầu tư tạm thời vẫn nên thận trọng, đồng thời quan sát diễn biến của thị trường tại vùng cản và đánh giá lại trạng thái của thị trường”, báo cáo của VDSC nhấn mạnh.
Chốt phiên cuối tuần trước, VN-Index tăng 7,59 điểm lên 1.482,89 điểm. Toàn sàn có 226 mã tăng, 235 mã giảm và 47 mã đứng giá.
HNX-Index tăng 6,04 điểm lên 417,84 điểm. Toàn sàn có 151 mã tăng, 101 mã giảm và 35 mã đứng giá.
UPCoM-Index tăng 0,01 điểm lên 109,68 điểm.
Thanh khoản thị trường nhỉnh hơn phiên trước. Tổng giá trị khớp lệnh đạt 25.419 tỷ đồng, tăng 5,4%, trong đó, giá trị khớp lệnh riêng sàn HoSE tăng 2,1% và đạt 21.695 tỷ đồng.