Cơ quan báo chí có lợi thế để phát triển mạng xã hội

Theo nhà báo - TS Tô Đình Tuân, Tổng Biên tập Báo Người Lao Động, mạng xã hội đã xuất hiện và trở thành phần không thể thiếu trong cuộc sống.

Việt Nam có điểm khác Trung Quốc ở chỗ nước này ngay từ đầu đã đóng cửa, không cho các nền tảng xuyên biên giới vào mà phát triển các công cụ ở trong nước. Với thực tế của Việt Nam, vấn đề đặt ra là cách nào để điều chỉnh, phục vụ đời sống con người tốt nhất, giúp con người hướng thiện và làm xã hội ngày càng tốt đẹp hơn. Đó là một trong những mục đích mà cơ quan nhà nước cũng như cơ quan báo chí hướng tới.

"Tôi tin rằng những người làm nội dung số đều muốn truyền tải thông tin tốt đẹp nhưng do bị chi phối bởi quyền lợi vật chất, họ làm tin giật gân để có lượt xem nhiều hơn. Có thống kê cho rằng tâm lý con người thích "tin xấu" hơn là "tin tốt", thường xem "tin xấu" ngay. Đó là lý do mà báo "lá cải" ở nước ngoài vẫn sống được, thậm chí sống tốt. Tuy nhiên, thông tin tốt mới chính là dòng chủ đạo của cuộc sống" - Tổng Biên tập Tô Đình Tuân nói.

Ông Tô Đình Tuân khẳng định Báo Người Lao Động trong những năm qua luôn luôn kiên định 5 tiêu chí: Nhanh - Hay - Chính xác - Trách nhiệm - Nhân văn. "Hai tiêu chí mà chúng tôi theo đuổi chặt chẽ và quyết liệt là "trách nhiệm" và "nhân văn". Trách nhiệm với bạn đọc, dân tộc, Tổ quốc, Đảng và với chính bản thân mình. Nhân văn là làm sao để cuộc sống tốt đẹp hơn" - Tổng Biên tập Tô Đình Tuân giải thích thêm.

Cũng theo ông Tô Đình Tuân, hơn ai hết, các cơ quan báo chí có vai trò, trọng trách và có lợi thế để phát triển các nền tảng mạng xã hội tốt nhất.

Đưa nhiều thông tin tích cực lên mạng xã hội thì cũng nhận lại nhiều điều tích cực!
Nhà báo - TS Tô Đình Tuân, Tổng Biên tập Báo Người Lao Động

Cụ thể, lợi thế của cơ quan báo chí là có quy chuẩn đạo đức, cơ chế pháp lý rõ ràng. Mạng xã hội có thể đưa tin mà không chịu trách nhiệm nhưng cơ quan báo chí phải chịu trách nhiệm. Ngoài ra, quy chuẩn lớn nhất là cái tâm của người làm báo, không người làm báo có tâm nào có thể đưa thông tin gây tác động xấu đến xã hội. Đây chính là mỏ neo quan trọng để giữ cho các cơ quan báo chí phát triển đúng định hướng, tôn chỉ mục đích và phục vụ xã hội tốt nhất.

Bên cạnh đó, các cơ quan báo chí còn có sự ủng hộ của các đơn vị, cộng đồng doanh nghiệp. Nếu cơ quan báo chí đi một mình thì không thể nào đi tới đích, không đi xa được mà cần sự đồng hành của doanh nghiệp, đơn vị, bạn đọc.

Như vậy, cơ quan báo chí đã tích hợp được đầy đủ điều kiện để có thể phát triển các nền tảng mạng xã hội "triệu view" và thậm chí hướng tới "tỉ view".

"Hiện nay không còn là thời hoàng kim của báo in và trong tương lai sẽ không còn là thời hoàng kim của báo điện tử. Khoảng 5 - 10 năm tới là thời kỳ hoàng kim của mạng xã hội. Bước cùng nhịp đó, chúng ta phải tạo ra được sự chủ động để không lệ thuộc vào nền tảng bởi sẽ rất nguy hiểm" - ông Tô Đình Tuân nhìn nhận.

Hướng tới nền tảng "tỉ view"

Ông Nguyễn Ngọc Hồi, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP HCM, khẳng định trong thời gian tới sẽ có quy chế xử lý các KOL tham gia quảng cáo trên các nền tảng mạng xã hội, thậm chí là xử lý các công ty quản lý của những KOL này.

Theo ông Hồi, thời gian qua, TP HCM đã chú trọng truyền thông về chính sách. Ông gợi ý các cơ quan báo chí có lợi thế biến mình thành những KOL để tham gia vào truyền thông chính sách. Sở Thông tin và Truyền thông TP HCM cùng các cơ quan báo chí sẽ phối hợp với nhau để xây dựng các kế hoạch truyền thông về chính sách cho thành phố trên các nền tảng mạng xã hội. Thậm chí, có thể mời các KOL tham gia vào các chiến lược truyền thông chính sách.

Ông Hồi mong muốn thông qua mạng xã hội, mỗi buổi sáng, người dân được tiếp cận với thông tin tích cực từ các cơ quan báo chí.

"Chúng ta đã thay đổi tư duy rồi. Nay phải tiếp tục thay đổi tư duy trong sản xuất các nội dung đăng tải trên mạng xã hội. Từ đó hướng đến các nền tảng "tỉ view" chứ không chỉ là "triệu view" như hiện nay" - ông Hồi nhắn nhủ.

Tận dụng KOLs trong truyền thông chính sách

Nhà báo Đỗ Thiện, Trưởng Ban Truyền hình Đa nền tảng Báo Pháp Luật TP HCM, cho rằng lâu nay đa phần truyền thông chính sách gắn với các cơ quan báo chí. Nhưng trong tình hình hiện nay, cần có sự kết hợp với các KOL. Ví dụ, chiến dịch quảng bá Cần Giờ mới đây có sự góp sức của đội ngũ KOLs. Cần tận dụng đội ngũ KOLs trong truyền thông chính sách.

Liên quan nội dung này, ông Nguyễn Ngọc Hồi, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP HCM, cho biết trong thời gian qua, TP HCM cũng đã tận dụng KOLs trong quảng bá, truyền thông chính sách của thành phố.

Thời gian tới, Sở Thông tin và Truyền thông TP HCM sẽ tiến tới thành lập CLB, đội nhóm KOLs tham gia truyền thông chính sách, góp phần đưa việc sản xuất nội dung vào quy chuẩn, hiệu quả.

Theo ông Hồi, trong chiến lược truyền thông chung của TP HCM có kế hoạch truyền thông trên các nền tảng mạng xã hội. Ví dụ, mời các KOLs tham gia truyền thông, quảng bá về giải quyết các thủ tục trực tuyến của thành phố.

Người làm báo cần bản lĩnh

Ông Dương Vũ Thông, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo TP HCM, nhìn nhận báo chí đang chập chững bước vào mạng xã hội.

Hiện có khoảng 800 cơ quan báo chí trên cả nước nên thông tin rất phong phú. Việc xây dựng mạng lưới cạnh tranh với mạng xã hội là cần thiết.

Để các nền tảng của báo chí phát triển thì thực chất quy định hiện đi theo chưa kịp. Năm 2015, Hội Nhà báo Việt Nam đã đưa ra những quy định cho người làm báo thực hiện.

Đưa nhiều thông tin tích cực lên mạng xã hội thì cũng nhận lại nhiều điều tích cực!
Ông Dương Vũ Thông, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo TP HCM

Báo chí chính thống khác mạng xã hội ở chỗ là cần xác định viết cho ai, viết để làm gì, làm sao chuyển tải thông điệp để xã hội đẹp, sáng hơn. Tôi nghĩ đây là cái khó nhưng thực chất là cần bản lĩnh của người làm báo, tờ báo khi chấp nhận những thông tin đó xuất hiện trên mặt báo.

Để phát huy đầy đủ thế mạnh và sự định hướng, các cơ quan báo chí cần bố trí đội ngũ có hiểu biết về quy định về mạng xã hội và thực hiện phương châm nhanh, đúng.

Với thông tin nhạy cảm, cần phối hợp để cùng chia sẻ thông tin đến với bạn đọc, xã hội tốt hơn.

Cuối cùng, các cơ quan báo chí cần đào tạo đội ngũ tinh thông nghiệp vụ, có bản lĩnh chính trị và phải rèn luyện kỹ năng.

Không dám giới thiệu mình là nhà sáng tạo nội dung

Anh Lê Văn Phong, quản lý kênh YouTube Phong Bụi, chia sẻ gần đây khi ra đường, anh không dám giới thiệu mình là nhà sáng tạo nội dung vì không ít nhà sáng tạo nội dung hiện nay tạo ra những nội dung nhảm nhí.

Đưa nhiều thông tin tích cực lên mạng xã hội thì cũng nhận lại nhiều điều tích cực!
YouTuber Lê Phong

Anh Phong lấy ví dụ nhiều YouTuber đã đăng tải thông tin về vụ việc giết người ở Cà Mau mới đây hoặc "drama" sau khi NSƯT Vũ Linh qua đời. Những thông tin này được đăng với tần suất dày đặc cùng hình ảnh, lời lẽ rất đau lòng, thậm chí còn làm ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự của địa phương.

Nhà sáng tạo nội dung này cho hay các nội dung hiện nay được đăng tải trên nền tảng mạng xã hội với 2 luồng tích cực và tiêu cực. Do đó, cần quản lý chặt chẽ hơn những nội dung xấu, độc trên mạng xã hội.

Người làm báo phải có phẩm chất, đạo đức

TS Vũ Toản, Phó Trưởng Phòng Công tác sinh viên Trường Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQG TP HCM, cho biết "bức tranh" công nghệ đặt ra những thách thức cũng như lợi thế để phục vụ phát triển báo chí.

Ở góc độ người đào tạo, TS Vũ Toản cho hay trách nhiệm là rất quan trọng. Cần hiểu rằng sự vận hành của báo chí liên quan rất lớn đến con người, con người tạo ra sản phẩm và thụ hưởng thành quả đó.

Theo ông Toản, trách nhiệm của Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn phải được nâng lên hơn nữa để đáp ứng nhu cầu hiện nay. Thực tiễn cho thấy ngành báo chí và truyền thông đã đóng góp rất lớn cho sự phát triển xã hội.

Đưa nhiều thông tin tích cực lên mạng xã hội thì cũng nhận lại nhiều điều tích cực!
TS Vũ Toản, Phó trưởng Phòng Công tác sinh viên Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQG TP HCM

Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn hiểu rằng xu hướng phát triển 4.0 có thể tạo ra những phiên bản khác nhau của người làm báo vì giờ ai cũng có thể tạo ra nội dung, lan tỏa ra khắp thế giới. Sự bùng nổ là xu hướng tất yếu nhưng sử dụng nguồn lực cần đa dạng, khắt khe hơn.

"Chúng tôi nghĩ rằng trong đào tạo nguồn nhân lực với định hướng phát triển đa nền tảng, người được đào tạo phải nắm vững chủ trương, đường lối. Người học phải có phẩm chất, đạo đức, tinh thần chính trực, hướng đến hình mẫu lành mạnh" - TS Vũ Toản nói.

Về mặt chuyên môn, thay vì học tốt, phải làm sao việc học gắn với hoạt động thực tiễn của nhiều công việc khác nhau.

TS Vũ Toản cũng lưu ý người làm báo, người làm truyền thông cần có sự hiểu biết mang tính chuẩn mực, biết lắng nghe nhiều hơn. Có được thông tin tốt thì hãy "lắng", rồi hãy "nghe" thì mới đáp ứng được công việc.

Khẳng định thương hiệu từ thông tin kiểm chứng

Ông Nguyễn Ngọc Hồi, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP HCM, cho hay trong năm 2024 và những năm tiếp theo, chủ đề xuyên suốt của TP HCM là chuyển đổi số.

Các cơ quan báo chí đang chuyển đổi số nhằm tiết kiệm chi phí, tăng tính hiệu quả trong tác nghiệp, sản xuất sản phẩm báo chí và đặc biệt là bảo vệ bản quyền tác phẩm báo chí.

Đưa nhiều thông tin tích cực lên mạng xã hội thì cũng nhận lại nhiều điều tích cực!
Ông Nguyễn Ngọc Hồi, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP HCM

Ông Nguyễn Ngọc Hồi cho biết Sở Thông tin và Truyền thông TP HCM đang xây dựng các kế hoạch, quy chế nhằm tạo điều kiện cho các cơ quan báo chí phát triển nhanh. Bên cạnh đó là siết chặt lẫn hỗ trợ để cơ quan báo chí có thể xây dựng thương hiệu trên nền tảng mạng xã hội. Thương hiệu này chính là những thông tin được kiểm chứng từ các cơ quan báo chí.

Ông Hồi nhấn mạnh dù mạng xã hội có theo trend nào đi nữa thì những thông tin chính thống, được kiểm chứng từ các cơ quan báo chí vẫn cần thiết và giữ vai trò quan trọng.

Sở Thông tin và Truyền thông TP HCM đang xây dựng quy chế để xử lý những hành vi đăng tin giả, xấu, độc lên mạng xã hội. Đồng thời, đẩy mạnh quảng cáo lên các nền tảng này.

Ông Hồi cho rằng nếu các cơ quan báo chí đẩy nhiều thông tin tích cực lên các nền tảng mạng xã hội thì cũng sẽ nhận lại nhiều điều tích cực từ các nền tảng này.

Ông Bùi Phan Trương Chánh Nghĩa, Giám đốc Văn phòng Đại diện TP HCM - Công ty CP Phát triển truyền thông Quảng cáo MAC Việt Nam (MCV)

Đưa nhiều thông tin tích cực lên mạng xã hội thì cũng nhận lại nhiều điều tích cực!
Ông Bùi Phan Trương Chánh Nghĩa, Giám đốc Văn phòng Đại diện TP HCM - Công ty CP Phát triển truyền thông Quảng cáo MAC Việt Nam (MCV)

Đơn vị của chúng tôi đã tiếp cận các nền tảng mạng xã hội từ cách đây từ 5-6 năm và cũng trực tiếp sản xuất nội dung. Tùy theo mỗi nền tảng mạng xã hội mà xây dựng nội dung, cách thức thể hiện.

Chúng tôi đã đầu tư nguồn nhân sự lẫn công nghệ nhằm bắt trend trên mạng xã hội, từ đó chuyển tải nội dung mang tính bắt trend lên nền tảng.

Đưa nhiều thông tin tích cực lên mạng xã hội thì cũng nhận lại nhiều điều tích cực!
Ông Bùi Phan Trương Chánh Nghĩa chia sẻ những suy nghĩ của mình tại buổi tọa đàm.

Khác biệt giữa truyền hình truyền thống và truyền hình có nội dung chuyển đổi số: Có công cụ bóc tách để xây dựng nội dung phù hợp với từng đối tượng người xem; có công cụ để đo, đếm được thị hiếu.

Làm thế nào để kiếm tiền? Đó là chuyển đổi từ nội dung giải trí sang kết hợp với nhãn hàng, vừa giải trí vừa kết hợp mua sắm.

"Nơi đâu có độc giả, nơi đó phải có nội dung. Cách thể hiện nội dung phải đúng chủ trương, chính sách nhưng phải có yếu tố giải trí" - ông Nghĩa khuyến cáo.

Công nghệ là tương lai

Ông Huỳnh Ngọc Duy, Tổng Giám đốc Công ty CP Mắt Bão, cho biết các mạng xã hội hoạt động sôi nổi hiện nay ở Việt Nam thực chất cũng là những công ty công nghệ. Báo chí không thể bỏ qua xu thế đó.

Các công ty công nghệ nước ngoài đã có đại diện chính thức ở Việt Nam. Để phát triển nền tảng "triệu view" và đúng hướng với sự quản lý của nhà nước, báo chí phải phối hợp chặt chẽ với công ty công nghệ. Cụ thể, cần phối hợp quản lý dữ liệu, tận dụng dữ liệu ấy để đưa đến độc giả phù hợp nhất.

Thách thức trong kiểm soát tin giả

Theo nhà báo Nguyễn Chiến Dũng, Thư ký Tòa soạn Báo Sài Gòn Giải Phóng điện tử, ngay ở các cơ quan báo chí chính thống cũng gặp những khó khăn trong quản lý tin giả. Điển hình như thông tin hỗn loạn trong giai đoạn dịch COVID-19.

Trên các nền tảng mạng xã hội, liên quan những vụ vu khống, tít thường được đặt rất hay nhưng nội dung bên trong lại chẳng mấy liên quan.

"Những năm gần đây, Báo Sài Gòn Giải Phóng cũng đặt nhiều câu hỏi. Chẳng hạn, nên đưa tít như thế nào? Khi đưa lên mạng xã hội thì phải sửa tít ra sao để thu hút? Vì thế, câu hỏi đặt ra là quản lý nền tảng mạng xã hội như thế nào?" - ông Chiến Dũng đặt vấn đề.

Nhà báo Nguyễn Chiến Dũng nhận xét báo chí hiện nay làm nội dung trên mạng xã hội khá chuẩn chỉnh. Ở Báo Sài Gòn Giải Phóng, từ thông tin trên mạng xã hội, người làm nội dung phải kiểm chứng thông tin, khai thác theo hướng người dân tin tưởng để định danh. Những thông tin này tất nhiên cũng bắt trend theo mạng xã hội nhưng phải chuẩn.

Báo Sài Gòn Giải Phóng xác định có thể thông tin không nhanh nhưng cần chính xác. Dù rằng mỗi báo có cách khai thác, sản xuất nội dung khác nhau nhưng phải kiểm chứng thông tin, đẩy lùi được thông tin giả. Bạn đọc sẽ là người quyết định tẩy chay những cá nhân, tổ chức không đưa thông tin chuẩn.

Đưa nhiều thông tin tích cực lên mạng xã hội thì cũng nhận lại nhiều điều tích cực!
Nhà báo Chiến Dũng

Lợi thế và rủi ro

Theo nhà báo Đỗ Thiện, Trưởng Ban Truyền hình đa nền tảng Báo Pháp Luật TP HCM, các cơ quan báo chí tham gia mạng xã hội sẽ có nhiều lợi thế. Trong đó, mạng xã hội mang về cho các cơ quan báo chí lượt tương tác, doanh thu.

Xu hướng chung hiện nay là đa số người dân tiếp cận tin tức của các cơ quan báo chí thông qua mạng xã hội. Khi tham gia mạng xã hội, các cơ quan báo chí sẽ bắt trend (xu hướng), nắm được thị hiếu của người dùng mạng xã hội, từ đó bắt kịp được nhu cầu tin tức của người dùng.

Mặt khác, báo chí tham gia các nền tảng mạng xã hội cũng đối mặt nhiều rủi ro. Đó là sự phụ thuộc của các cơ quan báo chí về cả nội dung lẫn kỹ thuật vào các nền tảng này. Việc người làm báo mải mê chạy theo trend trên mạng xã hội để sản xuất tin - bài cũng dễ gây ra "mất chất". Hiện nay, nhân sự của các báo cũng chảy về mạng xã hội.

Nhà báo Đức Trung, Ủy viên Ban Biên tập, Phó Tổng Thư ký Tòa soạn Báo Thanh Niên

Bên cạnh báo in và báo điện tử, Báo Thanh Niên cũng tập trung vào các nền tảng mạng xã hội như YouTube (5,5 triệu lượt theo dõi), TikTok (3,5 triệu) , Fanpage Facebook, Zalo… Những con số này còn khiêm tốn, sơ khai.

Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để cạnh tranh trên nền tảng đa nội dung?

Báo Thanh Niên phát triển trung tâm nội dung số, phát triển mạng xã hội, đòi hỏi đầu tư khá nhiều. Trung tâm có tiền thân là tổ truyền hình, thành lập năm 2016. Với sự phát triển của mạng xã hội thì trung tâm là một nền tảng chính của báo và được đầu tư nhiều.

Theo ông Đức Trung, việc bảo đảm nội dung trên nền tảng mạng xã hội đã vất vả rồi, còn phải làm sao để bạn đọc quan tâm, làm sao để làm mới mình? Làm sao tiếp cận được những nội dung thu hút giới trẻ, những người tiếp cận nhanh và đòi hỏi sự thay đổi?

Báo Thanh Niên luôn muốn đầu tư trường quay nhưng để đầu tư cũng là thách thức. Chưa kể, quản trị rủi ro trên nền tảng mạng xã hội là vấn đề cần quan tâm rất lớn.

Nền tảng đối với các cơ quan báo chí hiện nay là đi mượn, nhà phát triển nền tảng chỉ cần thay đổi thuật toán là chúng ta "hoang mang". Với thách thức như vậy, một cơ quan báo chí không làm một mình được, đòi hỏi sự chung sức của cơ quan quản lý nhà nước.

Còn có rủi ro khác đến từ yếu tố khách quan trên mạng xã hội, đòi hỏi đầu tư công nghệ nhưng không phải cơ quan nào cũng có nguồn lực để đầu tư.

Về con người, chúng tôi cũng có sự tính toán để bảo đảm nguồn nhân lực. Những người trẻ theo được sự thay đổi của công nghệ và có sức sáng tạo vô bờ cần tạo điều kiện để sáng tạo.