Nàng dâu Việt nổi tiếng tại Ấn Độ kể về hành trình 5 năm 'tìm con' và 'phép màu' đến vào đúng kỷ niệm ngày cưới
Chị Mỹ Ân được mọi người biết đến là một cô gái Việt lấy chồng người Ấn, chị sở hữu kênh Tiktok “Tulsi - nàng dâu Ấn” với gần 500.000 lượt theo dõi và hơn 15 triệu lượt yêu thích. Câu chuyện lễ cưới độc đáo kéo dài ba ngày ba đêm của chị khi sang Ấn đã để lại nhiều ấn tượng cho cộng đồng mạng.
Không chỉ có vậy, với chị Mỹ Ân hành trình 5 năm đi “tìm con” của chị cùng ông xã cũng là một câu chuyện đầy thú vị, nhất là chuyến hành hương đến đền thờ Nữ thần Vaishno Devi sẽ là ký ức mà chị luôn nhớ mãi.
Cặp vợ chồng Việt - Ấn (chị Mỹ Ân và ông xã Mohit). |
Chưa có được con sau 5 năm và chuyến hành hương đặc biệt
Ngày nay, trong đời sống vợ chồng tuy đã có rất nhiều quan điểm khác nhau về chuyện con cái. Nhưng trên tỷ lệ của số đông, nhiều cặp vợ chồng vẫn rất muốn tự sinh con và nuôi nấng con của mình. Chính vì thế, trong suốt 5 năm đi “tìm con” ấy, có lúc chị Mỹ Ân cũng nản lòng, muốn dừng lại nhưng rồi chính những cố gắng về việc tìm thuốc chữa trị lẫn về các giá trị tâm linh đã mang bé Krishna đến cho chị cùng gia đình.
- Anh chị mất bao lâu mới có được con trai đầu lòng, hành trình đó đã diễn ra như thế nào đối với chị?
“Mình nghĩ duyên con cái là có thật, 5 năm đầu vì thật sự rất mong nhưng mà cho dù có đi chữa trị ra sao, đủ mọi phương pháp thì kết quả vẫn là 0. Gia đình hai bên cũng thương lắm cho nên không ép bao giờ. Mình chỉ biết là nhờ có tình thương, sự cầu nguyện của mọi người, cộng với những thay đổi về sức khỏe - tinh thần thoải mái - kết hợp với uống thảo dược trong Y học cổ truyền Ấn thì sau đó, em bé đã xuất hiện. Thời điểm đó là sau khi mình thực hiện chuyến đi đền Nữ thần năm 2019.
Lúc biết tin có em bé mình xúc động quá chạy đi khoe tùm lùm với mọi người, còn ông chồng rơm rớm nước mắt rồi mít ướt luôn. Những giọt nước mắt sau bao mong chờ, thổn thức, nghẹn ngào, trắng đêm… tận 5 năm lận”.
Với chị Mỹ Ân, có lẽ chuyến đi hành hương đã mang đến nhiều điều kỳ diệu |
- Nghe về chuyến đi đến đền thờ của chị khá đặc biệt, chị có thể kể về lần đi hành hương đó?
“Người dân Ấn hành hương để thể hiện sự thành kính của họ với thần linh. Lần đó, mình đi tới đền Nữ thần lớn nhất Bắc Ấn có tên là Vaishno Devi trong khu vực Jammu và Kashmir (là nơi trồng saffron nổi tiếng và khu giao tranh giữa Ấn Độ và Pakistan). Mọi người đổ đến đây đông còn hơn lượng khách đi du lịch một vùng. Khi đã đến được chân núi, cả nhà mình và tất cả những người đến đây đều thành tâm để đi bộ lên đỉnh của ngôi đền.
Con đường này được mệnh danh là 1 trong 6 đường hành hương cực nhất ở Ấn Độ. Gia đình mình vừa đi vừa nghỉ, do chưa quen nên mình thấy hai cái chân muốn gãy nhưng vẫn ráng. Ở đó có nhiều dịch vụ như khiêng kiệu người hay ngựa thồ, thậm chí có cả đẩy em bé nữa nhưng giá cả khá cao.
Chị Mỹ Ân cùng mẹ chồng đi hành hương |
Mình và mẹ chồng đi đến tối hôm đó, trên đường xuống không đi nổi nữa do đi từ sáng tới chiều nên phải mướn ngựa đi xuống. Trời ơi, hóa ra nó còn kinh khủng hơn đi bộ do ê mông và xóc. Hôm đó. mình vừa đau vừa lạnh cóng cả người. Mình đến được chân đồi trước khi về khách sạn là 12h-1h đêm gì đó. (Từ đền về nhà chồng mình khá xa nên phải nghỉ đêm tại khách sạn).
Mình rất nể người Ấn đi hành hương lắm luôn! Bất kể ngày đêm đều có người Ấn lên xuống núi để tới đền Nữ thần, cho nên mới thấy sức mạnh tâm linh và lòng thành kính của họ lớn như thế nào.
Qua câu chuyện trên mình muốn nói là mình thực sự thành tâm đi viếng Nữ thần vừa hiểu thêm về văn hoá quê chồng. Đó còn là kỷ niệm đầy ý nghĩa khi cả gia đình trải qua thời gian hết sức đặc biệt để gắn kết nhau hơn. Cuối cùng có vẻ Krishna con trai mình đã tới với gia đình mình sau chuyến đi đó”.
Chị Mỹ Ân và mẹ chồng rất thân thiết với nhau |
Đứa con ra đời vào đúng ngày cưới của ba mẹ
Duyên có con thì đến muộn, nhưng quá trình mang thai lại diễn ra khá suôn sẻ, và lại càng đặc biệt hơn khi đứa con lại ra đời vào đúng dịp kỷ niệm ngày cưới của ba mẹ.
- Hành trình mang thai của chị đã diễn ra như thế nào? Và có điều gì đặc biệt đã diễn ra trong khoảng thời gian đó?
“Cơ địa mình khá khỏe cho nên thai kỳ mình chỉ có ăn và ăn thôi! Đáng nhớ nhất là con ra đời vào ngày 10/11 là kỉ niệm ngày cưới ở Việt Nam. Trước khi sinh cũng hy vọng con ra đời trùng ngày luôn, mà có lẽ mẹ mong quá nên con hiểu cho nên con đòi ra liền. Việc đó làm cho mình đau đẻ 8 tiếng đồng hồ, con thì muốn ra nhưng cơ địa khó cho nên sau 8 tiếng phải sinh mổ”.
Bé Krishna ra đời vào kỷ niệm ngày cưới của ba mẹ tại Việt Nam |
- Việc nuôi con những tháng đầu ra sao, và chị có gặp khó khăn nào không?
“Con mình trộm vía hợp sữa mẹ cho nên lên cân nhanh lắm nhưng khổ cái là con khó ngủ Để ru con vào giấc và cho con ngủ sâu giấc thực sự mình vật lộn trong 6 tháng đầu tiên. Về sau cũng ổn hơn nhưng lúc nào cũng phải bồng ru ngủ cho đến khi con qua 1 tuổi luôn”.
Ba và con trai cùng nhau "đi bão" |
- Sinh con ở Việt Nam, vậy chị nuôi dạy con như thế nào? Có bị “trái ý” với mong muốn của ba mẹ chồng người Ấn?
"Thế hệ ba mẹ chồng bằng tuổi với ba mẹ ruột của mình luôn (6x), cho nên cách nuôi con và dạy cháu của hai bên đều có điểm tương đồng. Đó chính là nuôi dạy con theo kiểu truyền thống và sẽ có những điều khác biệt với thế hệ của mình (8x). Ví dụ: Cả hai người mẹ đều thích đắp, quấn cháu thật dày, cháu khóc quấy đêm thì cả hai mẹ đều nghĩ do cháu bị hết hồn. Cho nên chắc chắn có bất đồng quan điểm giữa mình và hai mẹ.
Khi cháu gần 3 tuổi thì bà ngoại thích cháu mũm mĩm, còn bà nội thì không muốn nhưng muốn cháu bỏ bỉm đêm. Nói chung mình nuôi dạy con theo cách của mẹ - lắng nghe nhu cầu con và con trộm vía ít bệnh vặt là vui rồi".
Mẹ ruột và mẹ chồng của chị Mỹ Ân |
- Hiện tại, chị đang dạy con sử dụng ngôn ngữ nào để giao tiếp, tại sao?
“Ban đầu vợ chồng mình có quy định ba nói tiếng Ấn, mẹ nói tiếng Việt nhưng do ba mẹ lại giao tiếp hàng ngày tiếng Anh nên con có bị rối loạn. Và ba mẹ thấy con tội khi không thể nào thể hiện được ý của con. Cho nên giờ con hiểu được hai ngôn ngữ là Anh và Việt. Hiện tại, con đang tập nói cả hai ngôn ngữ. Nhiều người hỏi cháu sẽ giao tiếp với ông bà nội ra sao. Vợ chồng mình nghĩ chỉ cần con thông thạo được một ngôn ngữ thì sẽ học dần ngôn ngữ khác và cũng hên người Ấn nói tiếng Anh cũng kha khá!”.
Bà nội người Ấn nâng niu cháu nội |
- Chị có nhận được sự hỗ trợ của người thân trong quá trình chăm con?
“Khi ba mẹ đi làm thì bé ở nhà có bà ngoại chăm. Ông nhà mình cũng chịu làm tất cả ví dụ thay tã, rửa mông cho con mà không bị ói. Nhiều khi vợ mệt quá thì ẵm con một tí hay cùng con coi tivi. Bây giờ con gần 3 tuổi nên cha con họ có thời gian với nhau nhiều hơn khi mà mẹ chưa đi làm về”.
Cầu nối văn hóa: Kênh Tkitok - “Tulsi - nàng dâu Ấn”
“Tulsi - nàng dâu Ấn” - kênh Tiktok thời gia nhận được rất nhiều sự quan tâm của cộng đồng mạng. Ở đây, người xem bị hấp dẫn bởi cách kể chuyện hài hước
- Chị mở kênh Tiktok từ khi nào? Và vì sao quyết định chia sẻ câu chuyện của mình đến nhiều người.
"Mình rất mong có thể giúp mọi người biết thêm được những nét hay, thú vị trong văn hóa, con người, thiên nhiên Ấn Độ. Do những điều này chưa được biết đến hoặc còn kỳ bí với mọi người nước mình. Và đó là lý do để kênh mình ra đời vào cuối năm 2020.
Qua kênh Tiktok mình cũng muốn giải đáp những tục lệ cũng đang bị hiểu lầm như: ăn bốc bằng tay là “rất bẩn”, nước Ấn Độ nghèo lắm, người phụ nữ không có quyền... Hy vọng những video này sẽ đem lại sự yêu mến và kết nối, thân thương giữa con người hai nước chúng mình hơn”.
Chị Mỹ Ân cùng con trai Krishna có hai dòng máu Ấn - Việt |
- Vậy còn về phản ứng của người xem về kênh của chị?
"Về phản ứng của người xem, mình không ngờ là mọi người yêu thích quá trời. Mình phát hiện là các bạn rất mến văn hóa Ấn, đặc biệt là phim, cho nên mình tiếp tục làm thêm.
Cảm động hơn là các bình luận tâm sự, nhờ mình mà họ biết rằng họ đang hiểu sai về Ấn ra sao, ồ thì ra Ấn là thế! Và đồng thời, hình như nhiều bạn đang tìm hiểu Ấn cho nên kênh mình giúp các bạn tự tin để quyết định có đi xa hơn trong tương lai hay không.
Điều mình quan tâm là các bạn trẻ nhỏ còn đang ở lứa tuổi học sinh có cái nhìn mới hơn về Ấn. Với kênh này, mình khá tâm huyết và đầu tư rất kỹ. Mình muốn con trai lai dòng máu Ấn sẽ tự hào mẹ người Việt giữ gìn gốc Ấn - Việt cho con trai như thế nào và là cầu nối văn hóa cho các bạn yêu Ấn".
Con trai và ba luôn quấn quýt lấy nhau |
Cả gia đình hạnh phúc bên nhau |
Cảm ơn chị Mỹ Ân về cuộc trò chuyện đầy thú vị. Chúc chị và gia đình nhiều sức khỏe và luôn có nhiều ý tưởng mới để đầu tư cho kênh Tiktok của mình, thu hút thêm được nhiều người xem. Qua đó có thể kết nối nhiều hơn nữa về tinh thần yêu mến và kết nối văn hóa giữa hai nước Việt - Ấn.