Theo những người trong cuộc, nhìn vào các phim Việt thành công, doanh thu ấn tượng vừa qua có thể rút ra 4 từ là "gãi đúng chỗ ngứa".

Tạo được sự đồng cảm

Phim "Nhà bà Nữ" do Trấn Thành đạo diễn, đầu tư, diễn xuất và phim "Bố già" do Trấn Thành đồng đạo diễn cùng Vũ Ngọc Đãng đang lần lượt dẫn đầu danh sách phim Việt ăn khách nhất tính đến hiện tại. Trong đó, phim "Bố già" gặt hái doanh thu 427 tỉ đồng, phim "Nhà bà Nữ" doanh thu 457 tỉ đồng và vẫn đang trụ rạp với kỳ vọng chạm mốc 500 tỉ đồng.

Giải mã thành công của 2 phim này, nhiều người trong giới nhận định do phim khai thác chủ đề về tình cảm gia đình, một chủ đề quen thuộc, nắm bắt được thị hiếu chung của khán giả đại chúng. Câu chuyện được kể tạo được sự đồng cảm, khiến nhiều người thấy được bản thân mình trong các nhân vật để cùng khóc và cười qua từng phân cảnh.

Mặc dù nhiều ý kiến trái chiều, hai phim trên nhận không ít lời khen và cũng có rất nhiều chê bai, chỉ trích nhưng doanh thu kỷ lục là điều mà bất kỳ nhà làm phim thương mại nào cũng mong muốn nhưng không dễ gặt hái được.

Phim "Nhà bà Nữ" có Trấn Thành là một trong những gương mặt nổi bật của làng giải trí Việt Nam với độ nhận diện, ảnh hưởng và lan tỏa phủ sóng ba miền. Anh nắm bắt thị hiếu nhanh nhạy cũng như thấu hiểu cảm xúc của nhiều phân khúc khán giả Việt Nam ở nhiều độ tuổi, vùng miền, tầng lớp.

"Phim có lượng tương tác cao trên mạng xã hội, tạo được hiệu ứng truyền miệng" - đại diện nhà phát hành CGV từng lý giải vì sao phim "Nhà bà Nữ" thắng doanh thu.

Đạo diễn Charlie Nguyễn trong một lần trò chuyện về điện ảnh lý giải thành công của "Bố già" đến từ khía cạnh nội dung mang tính triết lý châu Á với tình thân và tình cảm gia đình là trọng tâm. Những câu chuyện xoáy vào tình cảm gia đình, ruột thịt đều chạm được đến mức cao nhất tình cảm của khán giả, Phim "Bố già" là trường hợp tiêu biểu làm được rất tốt việc này. Ngoài khai thác chủ đề gần gũi, diễn xuất được chăm chút, tỉ mỉ thì phần lời thoại chân thật cũng được xem là chi tiết đắt giá giúp phim thắng doanh thu.

"Tôi làm phim vì muốn kể câu chuyện mà tôi khao khát được kể. Vô tình, câu chuyện đó lại nhận được sự đồng cảm của mọi người và doanh thu là món quà mà tôi cũng như ê-kíp nhận được khi kể câu chuyện trên" - Trấn Thành bộc bạch.

Phim Việt ăn khách vì đáp ứng thị hiếu - Ảnh 1.
Cảnh trong phim “Nhà bà Nữ”. (Ảnh do nhà sản xuất cung cấp)

Chỉ cần diễn viên hợp vai

Nhiều ý kiến cho rằng một phim hay, thu hút được khán giả đến chủ yếu từ cách kể mới lạ, hấp dẫn chứ không phải do đề tài hay các yếu tố khác chi phối. "Các đề tài mang tính đại chúng, dễ hiểu, dễ xem chỉ là yếu tố cộng hưởng để mang đến thành công. Nếu một câu chuyện phim được kể theo cách thú vị, lạ thì bất kể thuộc đề tài gì, thể loại gì, ngôn ngữ nào khán giả vẫn yêu thích ủng hộ" - Trấn Thành nhận định.

Trên thị trường phim Việt, ngoài Trấn Thành còn có loạt phim "Lật mặt" của Lý Hải đạo diễn, đầu tư, diễn xuất cũng gặt hái thành công lớn. Trong đó, "Lật mặt 5: 48h" hiện đứng thứ 9 trong tốp 10 phim ăn khách nhất phòng vé Việt tính đến hiện tại. Phim thu được 156 tỉ đồng và có lượng người hâm mộ riêng, thương hiệu riêng.

Cũng khai thác xoay quanh câu chuyện về tình cảm gia đình, tình bạn bè, loạt phim "Lật mặt" thường chọn diễn viên mới hoặc những diễn viên không phải ngôi sao phòng vé đóng chính. Lý Hải từng cho biết anh chọn diễn viên không phải dựa vào tên tuổi, độ nổi tiếng để nhờ đó lôi kéo khán giả mà chủ yếu chọn người phù hợp nhất với vai diễn, với câu chuyện muốn kể.

Việc tìm được diễn viên hợp vai kể cả ngoại hình mà không cần phải ngôi sao cũng là yếu tố góp phần tạo nên thành công cho phim, vì khiến khán giả tin vào nhân vật trên màn ảnh rộng mà không phải nghĩ đó là diễn viên đang hóa thân vào nhân vật.

Tác phẩm "Em chưa 18" của đạo diễn Lê Thanh Sơn với doanh thu 171 tỉ đồng, "Mắt biếc" của đạo diễn Victor Vũ với doanh thu 180 tỉ đồng đều là những phim không có diễn viên ngôi sao đã chứng minh cho câu chuyện vừa nói ở trên.

Phải có câu chuyện hay, cách kể hấp dẫn

Các nhà chuyên môn cho rằng một phim thành công doanh thu phụ thuộc nhiều yếu tố từ khách quan đến chủ quan, từ thời điểm ra rạp, chất lượng tác phẩm, hiệu ứng lan tỏa của tác phẩm... "Khán giả hiện nay đã có sự thay đổi, ngày xưa khán giả chỉ cần có ngôi sao hài và phim nội dung hài hước là đủ thắng phòng vé, ngày nay điều này không còn. Phim thảm họa đa phần chịu cảnh lỗ nặng do khán giả đã có sự chọn lọc phim kỹ hơn, đòi hỏi phải có những câu chuyện hay, được kể hấp dẫn" - biên kịch Đông Hoa nói.