Nhìn lại 'lỗi lầm' năm 17 tuổi, cô gái 20 tuổi gây xúc động khi viết bức thư gửi mẹ
Trong bức thư gửi đến tham gia cuộc thi “Mẹ ơi, Thu này con về nhà”, bạn Lê Phan Diễm Mai đã kể lại một kỷ niệm khó quên giữa bạn và mẹ. Cô bé 20 tuổi đã mạnh dạn nhìn lại mình của năm 17 tuổi, có thể đó không phải là những sai lầm quá nghiêm trọng, nhưng điều đó ít nhiều đã từng làm tổn thương đến mẹ.
Bức thư Diễm Mai viết gửi mẹ khiến nhiều người vừa xúc động, vừa tò mò về những gì mà cô đã khiến mẹ phải bật khóc.
Vào một lần Diễm Mai chuẩn bị đi sinh nhật và đã xin phép mẹ từ hôm trước, thế nhưng đến hôm đó bố mẹ cãi nhau và mẹ muốn Mai ở nhà. Với một chút “vô tâm” của tuổi trẻ, cô bé vẫn mở cửa và quyết định đi đến buổi tiệc. Thế nhưng khi cánh cửa chuẩn bị được mở ra, mẹ đã nổi giận và ném bể chiếc bình hoa mẹ yêu quý. Cô bé Mai cũng giận dỗi bỏ lên phòng và hai mẹ con không nói chuyện với nhau suốt 2 tuần.
Đứng ở một góc độ nào đó, người ngoài nhìn vào có thể nhận xét hành động của Diễm Mai có một chút “ích kỷ”, chỉ biết nghĩ đến bản thân mà quên đi cảm xúc của mẹ. Mẹ đang gặp chuyện không vui từ ông xã nay lại mang thêm muộn phiền từ con gái, chắc hẳn khi đó cô ấy sẽ rất buồn và cảm thấy cô đơn vì gần như không có ai bên cạnh.
Tuy nhiên, cũng phải nhìn lại, thời điểm đó Diễm Mai chỉ mới là cô gái 17 tuổi, suy nghĩ cũng chưa thật sự trưởng thành. Trước ngày đi sinh nhật, Diễm Mai vẫn xin phép mẹ, không tự ý đi tùy tiện. Chính vì thế, một chút sai sót do bồng bột này đâu đó là do chưa có nhiều trải nghiệm sống, chưa tinh tế trong việc nắm bắt cảm xúc của những người xung quanh, đặc biệt là mẹ.
Diễm Mai và mẹ thời điểm hiện tại luôn vui vẻ cùng nhau |
- Chào Diễm Mai, bạn có thể chia sẻ lại suy nghĩ của bạn vào thời điểm bị mẹ “cấm” đi sinh nhật năm 17 tuổi?
“Nếu thật sự chia sẻ về cảm xúc của mình khi đó, mình xin thú nhận là rất giận và bức xúc với mẹ. Điều đó dẫn đến mình đã làm những hành động không nên có ở một người con ngoan. Mình không nghe lời mẹ, vẫn bước xuống cầu thang và đi đến mở cửa để ra ngoài. Mẹ to tiếng với mình và mình to tiếng lại, sau đó còn giậm chân và đóng cửa phòng thật mạnh. Giờ đây suy nghĩ lại, mình nghĩ bản thân đã không đúng trong việc cư xử thiếu tôn trọng với mẹ”.
- Vậy khi nhìn thấy mẹ đập vỡ bình hoa, bạn giận hay là cảm thấy sợ mẹ nhiều hơn?
“ Cảm xúc ban đầu vẫn là giận mẹ, nhưng kèm theo đó cũng rất sợ, Đó có lẽ là lần đầu tiên mình cảm thấy mẹ nổi giận đến như vậy. Bình thường trong gia đình mình cũng đã rất sợ mẹ, thấy mẹ như thế mình lại càng sợ hơn.
Và năm đó, mình cũng không nghĩ chuyện này là do mình sai. Bởi mình đã xin mẹ đi sinh nhật từ trước, còn chuyện ba mẹ cãi nhau là điều bất ngờ xảy ra và cũng không đến từ mình. Chính vì thế, mình mặc định trong đầu người sai là mẹ, và từ đó dẫn đến mình đã không xin lỗi mẹ”.
Trong suy nghĩ năm đó, cô bé 17 tuổi vẫn cho rằng mẹ mới là người có lỗi |
- Tại sao thời điểm đó dù mẹ đã không muốn nhưng bạn vẫn quyết tâm đi sinh nhật? Thời điểm hiện tại, khi nhìn lại thì hành động đó hơi “ích kỷ” vì không quan tâm cảm xúc của mẹ. Nhưng với cô gái 17 tuổi, đó là một hành động bình thường?
“Theo mình, với suy nghĩ của một cô bé học sinh 17 tuổi, mình đã xin phép trước khi đi. Và buổi tiệc sinh nhật đó cũng là buổi hội ngộ của những người bạn, họ cảm thấy mình có ý nghĩa đối với họ nên mới mời mình đến. Do vậy, mình nghĩ mình phải đến buổi tiệc hôm đó, còn chuyện ba mẹ giận nhau có thể là “sáng nắng chiều mưa”. Ở tuổi 17, mình nghĩ nhiều bạn cũng sẽ đồng quan điểm với mình, chỉ cần biết đến những việc của mình với đầy đủ các trách nhiệm đã thực hiện, nhưng điều ở độ tuổi đó thiếu đi lại là sự chia sẻ cùng ba mẹ. Và tất nhiên, khi lớn hơn một tí và nhìn lại, mình nhận ra thời điểm đó mình đã “ích kỷ” với mẹ của mình, thay vì chia sẻ cùng mẹ, mình lại chọn cách làm mẹ buồn”.
- Giận nhau suốt 2 tuần không nói chuyện, vậy sau đó ai làm người chủ động kết nối?
"Mình còn nhớ đó là một trưa thứ bảy, chỉ có mình và mẹ ở nhà. Khi mình xuống nhà ăn cơm chưa, mẹ bắt chuyện với mình, và hỏi mình đã nhận ra điểm sai chưa? Thật sự, lúc đó mình vẫn không nghĩ là mình sai, ngược lại mình còn khẳng định với mẹ trong chuyện này mẹ mới là người sai".
Gia đình Diễm Mai hiện tại hạnh phúc với 7 thành viên |
- Đó có phải là lần giận nhau lâu nhất giữa hai mẹ con? Trong thư, Diễm Mai có chia sẻ từng làm mẹ buồn nhiều lần, vậy những lần trước bạn làm mẹ buồn như thế nào?
“Mình cũng không nhớ rõ có phải là lần giận nhau lâu nhất không. Còn về làm mẹ buồn nhất thì chắc là vào khoảng thời gian học cấp 1. Mặc dù mình luôn đứng top đầu trong lớp về kết quả học tập, nhưng lúc nào trong sổ liên lạc cũng bị cô giáo phê bình là nói chuyện quá nhiều.
Ban đầu mẹ chỉ nhắc nhở, nhưng mình cãi lại là do mình trao đổi chuyện học, nếu giờ học chỉ ngồi học không mình sẽ buồn ngủ. Nhiều tháng liền sau đó mình vẫn bị phê bình vì tội nói chuyện ồn ào trong giờ học, quá sức chịu đựng nên mẹ đã phải dùng đến đòn roi để phạt mình. Mẹ chỉ mong muốn mình bớt ồn ào, tập trung hơn trong giờ học thế mà mình lại không làm được và khiến mẹ buồn lòng”.
Mẹ và Diễm Mai khi còn nhỏ |
- Sau những lần giận nhau như vậy, bạn mong mỏi điều gì cho cả hai mẹ con?
“Mình mong mỏi hai điều. Thứ nhất, mình và mẹ sẽ hiểu nhau nhiều hơn sau những lần giận hờn như vậy. Thứ hai, mình mong khi mẹ có chuyện gì đó không vui, mình sẽ là người đầu tiên, hoặc cũng có thể là sau ba mình, có thể cùng chia sẻ cùng mẹ. Mẹ mình luôn cố gắng tỏ ra mạnh mẽ, giấu đi sự yếu đuối vào trong. Nhưng những khi chỉ có một mình mẹ, thì mẹ lại khóc. Chính vì thế, mình mong mình sẽ được chia sẻ cùng mẹ những nỗi niềm ấy!
Và nếu được quay trở lại thời điểm năm 17 tuổi, mình mong muốn sẽ cư xử khác hơn một chút, để ý đến cảm xúc của mẹ hơn một chút, để mẹ không phải buồn lòng vì mình quá nhiều!”.
- Nếu được định nghĩa cho hành động năm 17 tuổi của bạn, bạn sẽ gọi đó là gì? Và một lời nhắn gửi đến những bạn đã từng có những hành động và suy nghĩ giống bạn khi họ còn trẻ.
“Mình gọi đó là “vô tâm”! Nhưng sự vô tâm đó là một trong những biểu hiện của suy nghĩ hời hợt từ những người trẻ, chưa có nhiều kinh nghiệm sống. Mình tin tất cả chúng ta đều có những giai đoạn mắc phải sai lầm một cách vô ý. Điều quan trọng để một con người trưởng thành hơn là nhận ra những sai lầm đó và khắc phục.
Thế hệ trẻ của bọn mình luôn yêu thương ba mẹ, tuy nhiên khi còn nhỏ đôi khi tụi mình lại không biết cách thể hiện, không suy nghĩ quá sâu sắc và muốn nhận nhiều hơn tình cảm từ phía ba mẹ. Mình chỉ muốn gửi gắm, đã đến lúc chúng ta nên quan sát, quan tâm nhiều hơn đến người lớn. Không cần điều gì quá lớn lao, mình tin chỉ một vài câu hỏi thăm đơn giản hằng ngày như: Hôm nay ba mẹ cảm thấy thế nào? Ba mẹ đã ăn cơm chưa… cũng đủ lan tỏa tình thương đến cho ba mẹ, kết nối với ba mẹ nhiều hơn”.
Hai mẹ con đã dành cho nhau rất nhiều yêu thương |
Những bạn trẻ đôi khi sẽ làm ba mẹ buồn lòng chuyện gì đó, nhưng điều đó đến từ sự vô tình, hay đôi khi có chút bồng bột của tuổi trẻ. Chưa có quá nhiều kinh nghiệm sống, các bạn trẻ thỉnh thoảng cũng trở nên “vô tâm” với ba mẹ ngoài ý muốn. Tất cả những điều đó có thể sẽ khiến ba mẹ phải buồn lòng, nhưng không sao cả vì ba mẹ luôn thương và tìm cách để thấu hiểu con cái. Hãy cứ yên tâm và gieo cho nhau những yêu thương, quan tâm chân thành, đến một lúc thích hợp, con cái cũng sẽ đủ trưởng thành để biết cách thể hiện sự yêu thương dành cho ba mẹ nhiều hơn, và quan trọng là khiến ba mẹ an tâm hơn, không phải để ba mẹ lo lắng quá nhiều như ngày còn nhỏ.
Câu chuyện của bạn Diễm Mai là một “bảo chứng”, đến một lúc khi bạn đã trưởng thành hơn và nhìn lại, bạn sẽ biết cách để yêu thương ba mẹ nhiều hơn. Và với những điều đã diễn ra trong quá khứ, với Diễm Mai khi nhìn lại có thể là lỗi lầm, nhưng với ba mẹ đó là một bài học nhỏ để con trưởng thành hơn.
Cuộc thi viết thư: "Mẹ ơi, thu này con về nhà" được chương trình "Tình trăm năm" của MCV Network phối hợp cùng nhãn hàng Calosure Gold tổ chức. Thời gian bắt đầu từ ngày 11/8/2022 đến hết ngày 11/9/2022 với cơ hội nhận được tiền thưởng lên đến 5.000.000 đồng cùng nhiều phần quà hấp dẫn khác đến từ nhãn hàng Calosure Gold. Xem chi tiết thông tin và cách thức tham dự tại đây |