Olympic đang ở gần với bóng đá Việt Nam hơn bao giờ hết: Đã có kế hoạch chi tiết và bài bản vì mục tiêu 'vàng'
"Khó" nhưng không khó quá
Bóng đá nam Olympic chỉ có 16 đội góp mặt, chỉ bằng 1/2 số đội dự World Cup 2022 và 1/3 số đội dự World Cup 2026. Thoạt nhìn, đây có vẻ là đấu trường rất khó để bóng đá Việt Nam mơ đến nhưng thực tế không phải vậy.
Ở hành trình giành vé dự World Cup 2026, các đội bóng châu Á phải trải qua 4 giai đoạn thì hành trình giành vé dự Olympic có phần đơn giản hơn.
Nếu lấy cột mốc Olympic 2024, các đội châu Á muốn có suất đến Pháp chỉ phải trải qua 2 giai đoạn: vòng loại và vòng chung kết (VCK) Giải U23 châu Á 2024 (từ lâu AFC đã lấy vòng chung kết U23 châu Á làm vòng loại Olympic) với chưa đầy 10 trận đấu.
Ở vòng loại, các đội trải qua nhiều nhất là 4 trận (trường hợp bảng đấu 5 đội). Tại VCK, các đội muốn giành vé dự Olympic 2024 phải trải qua thêm ít nhất 4 trận (3 trận vòng bảng và 1 trận tứ kết).
Theo quy định của Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC), 3 đội có thứ hạng cao nhất VCK U23 châu Á 2024 sẽ giành vé dự Olympic tại Pháp. Đội xếp thứ tư sẽ đá play-off với đại diện châu Phi để tranh suất còn lại. Vì vậy, muốn có vé dự Olympic 2024, các đội phải chí ít vào được bán kết Giải U23 châu Á 2024.
Mục tiêu của thầy trò HLV Gong Oh Kyun và vào bán kết giải U23 Châu Á 2024 |
Hành trình đoạt vé dự Olympic với các đội châu Á sẽ đơn giản và ít trận đấu hơn cuộc đua tranh giành vé dự World Cup (dù suất đến Olympic của châu Á ít hơn). Chưa hết, quá trình giành vé dự World Cup đối với các nền bóng đá thuộc hạng 2 của châu Á như Việt Nam vô cùng khó khăn nhưng chiếc vé Olympic có vẻ "gần" hơn nhiều.
Điều đó cho thấy, U23 Việt Nam cũng như các đội bóng khác ở châu lục sẽ có thêm cơ hội để tham dự Olympic. Tại vòng chung kết U23 Châu Á 2022 vừa qua, U23 Việt Nam đã giành quyền vào tứ kết. Với thành tích này, U23 Việt Nam chắc chắn sẽ được xếp vào nhóm hạt giống số 1 tại vòng loại U23 Châu Á 2024. Đây là tiền đề rất quan trọng để U23 Việt Nam có thể giành vé dự vòng chung kết U23 Châu Á 2024.
HLV Gong đang được lòng của NHM Việt Nam |
Về lực lượng, đội U23 Việt Nam hiện tại vẫn còn 9 cầu thủ đủ tuổi để dự vòng chung kết U23 Châu Á 2024 nếu đội góp mặt gồm: Quan Văn Chuẩn, Vũ Tiến Long, Lê Văn Đô, Huỳnh Công Đến, Nguyễn Văn Trường, Khuất Văn Khang, Phan Tuấn Tài, Lương Duy Cương và Nguyễn Văn Tùng.
Lý thuyết ủng hộ bóng đá Việt Nam và thực tiễn thi đấu cũng cổ vũ bóng đá Việt Nam mơ đến vé dự Olympic. Tuyển U23 Việt Nam từng vào đến chung kết U23 châu Á 2018 và mới đây là có mặt ở tứ kết Giải U23 châu Á 2022.
Chưa hết, U23 châu Á là giải đấu trẻ mà giải trẻ thì rất dễ có bất ngờ. Ở đây, sự khác biệt về trình độ của các nền bóng đá lớn và nhỏ không quá rõ ràng.
Mục tiêu và kế hoạch của VFF
Đội tuyển quốc gia đã có mục tiêu World Cup, VFF liệu đã có những tính toán cho mục tiêu có mặt ở Olympic với các đội tuyển trẻ hay chưa? Đó là điều mà mới đây đã được ông Trần Quốc Tuấn - Quyền chủ tịch Liên đoàn bóng đá Việt Nam giải đáp.
"Thực ra không phải đến khi đội tuyển quốc gia đặt ra mục tiêu World Cup chúng ta mới tính đến mục tiêu có mặt tại Olympic với các đội tuyển trẻ. Theo quan điểm của tôi, đây không phải là hai mục tiêu riêng biệt mà là hai mục tiêu nằm trên cùng một lộ trình, có mối quan hệ mang tính hệ thống rất chặt chẽ.
Vì vậy VFF luôn đầu tư có trọng tâm, trọng điểm cho các đội tuyển trẻ để tham dự các giải đấu quốc tế. Trong những năm qua, các đội tuyển U19, U23 đều liên tục giành quyền thi đấu tại VCK châu Á, từ đó đã tạo ra những sự thay đổi tích cực về chất lượng cho đội tuyển quốc gia.
Cụ thể, tại FIFA U20 World Cup 2017, việc được thi đấu với các đối thủ đẳng cấp thế giới đã giúp những Quang Hải, Văn Hậu, Hồ Tấn Tài, Đình Trọng, Hoàng Đức, Tiến Linh... trưởng thành rất nhanh, trở thành trụ cột và giúp đội tuyển quốc gia lần đầu tiên lọt vào tới vòng loại cuối cùng của World Cup 2022.
Còn tại VCK U23 châu Á, việc đoạt danh hiệu á quân đã đem đến nguồn sinh khí mới cho bóng đá Việt Nam qua việc đạt được những thành công liên tiếp sau đó", ông Trần Quốc Tuấn chia sẻ.
Bên cạnh đó, ông Tuấn cũng chia sẻ những kế hoạch bài bản cho những mục tiêu quan trọng của bóng đá Việt Nam trong tương lai gần.
"Năm 2020, VFF đã thử nghiệm tổ chức thêm 2 giải đấu dành cho bóng đá trẻ là Cúp quốc gia U15 và U17. Năm 2021, VFF tiếp tục tổ chức thêm giải U9, nâng tổng số giải đấu thuộc hệ thống thi đấu quốc gia lên 22 giải và qua đó từng bước hoàn thiện hệ thống thi đấu bóng đá trẻ các lứa tuổi.
Từ đó tạo nền tảng cho sự phát triển của bóng đá đỉnh cao trong nước và cho các đội tuyển quốc gia hướng tới những mục tiêu lớn như Olympic, World Cup", ông Tuấn nói.
Nhìn vào lịch sử Olympic, có thể thấy có rất nhiều nền bóng đá không thuộc vào lớp tinh hoa của thế giới như Hungary đoạt 3 HCV trong khi Ba Lan, Thụy Điển, Canada hay Cameroon cũng 1 lần vô địch.
Với những cơ sở nói trên, bóng đá Việt Nam hoàn toàn có thể nghĩ đến mục tiêu Olympic. Đó cũng sẽ là cơ sở để bóng đá Việt Nam hiện thực hóa giấc mơ World Cup trong tương lai.