Thất bại khi đưa web-drama lên màn ảnh rộng
Từ web-drama lên điện ảnh là một khoảng cách rất lớn về mọi thứ và không nhiều nhà làm phim cổ xúy cho phương thức này. Đó là lý do vì sao trước đó một vài tác phẩm điện ảnh phát triển từ web-drama dẫu thành công lớn về doanh thu nhưng vẫn gây nhiều tranh cãi về nội dung, cách thực hiện.
Doanh thu thấp
Phim "Biệt đội rất ổn" do Tạ Nguyên Hiệp đạo diễn, quy tụ dàn diễn viên: Lê Khánh, Quang Tuấn, Võ Tấn Phát, Ngọc Hoa, Ngọc Phước… ra rạp từ ngày 31-3. Đây là tác phẩm được phát triển từ web-drama "Gia đình Cục Súc" có lượng người xem lớn trên YouTube.
Phim kể một câu chuyện độc lập có sự kết nối với các nhân vật trong "Gia đình Cục Súc" nên khán giả chưa xem web-drama này trước đó vẫn có thể hiểu được. Nội dung phim kể về Khuê (Hoàng Oanh đóng) và Phong (Hứa Vĩ Văn đóng). Trong lần chạm mặt tình cờ, cả hai lôi kéo gia đình Bảy Cục gồm Bảy Cục (Võ Tấn Phát đóng), Bảy Súc (Nguyên Thảo đóng), Quạu (Ngọc Hoa đóng), Quọ (Ngọc Phước đóng) tham gia phi vụ đặc biệt nhằm lật tẩy bộ mặt của Tuấn (Quang Tuấn đóng). Tuấn là chồng cũ của Khuê, một kẻ lừa đảo với vẻ ngoài điển trai, lời nói ngọt ngào, đang chuẩn bị làm đám cưới với nữ đại gia miền Tây Tư Xoàn (Lê Khánh đóng). Phim thuộc thể loại hài hước, mang đến tiếng cười giải trí là chủ yếu cho khán giả.
Phim “Biệt đội rất ổn” doanh thu thấp hơn kỳ vọng dù thuộc thể loại hài hước, giải trí. (Ảnh do nhà phát hành cung cấp) |
Mặc dù không thuộc vào dạng hài nhảm nhưng "Biệt đội rất ổn" bị chê nhạt nhòa từ kịch bản cho đến bối cảnh, tình huống hài khiên cưỡng, mang nặng tính sắp đặt. Kịch bản nhiều tình huống phi lý, mâu thuẫn nhau, còn nặng tính sân khấu, chưa nhiều chất điện ảnh.
"Tôi không cổ xúy cho việc đưa web-drama lên điện ảnh nhưng cũng không nói rằng việc đó là sai. Web-drama có ngôn ngữ riêng, có những câu chuyện phải kể nhiều tập mới hay; còn điện ảnh cần câu chuyện cô đọng” - Trấn Thành bày tỏ. |
Với những khán giả chỉ cần ra rạp để giải trí đơn thuần thì phim vẫn có thể đáp ứng được ở khâu giúp họ cười sảng khoái. Tuy nhiên, với những khán giả đòi hỏi tiếng cười hợp lý hơn từ nội dung kịch bản đến diễn xuất thì sẽ khắt khe với "Biệt đội rất ổn". Họ nhận xét trái chiều trên các diễn đàn, trang mạng về phim: "Phim giải trí, bối cảnh chưa tương xứng nhưng cả rạp ai cũng cười"; "Phim nhạt nhòa, tình tiết vô lý, xem không cười được"; "Phim nhàm chán, tình tiết ngô nghê, khó mà chinh phục được khán giả, hãy ngừng mang web-drama lên màn ảnh rộng rồi gọi là phim"…
Theo thống kê của trang Box Office Việt Nam (trang thống kê phòng vé độc lập với sai số nhỏ) tính đến trưa 10-4, phim chỉ thu được hơn 9,6 tỉ đồng, một con số quá thấp so với kỳ vọng. Đây không phải thất bại duy nhất của phim điện ảnh được phát triển từ web-drama. Trước đó, phim "Mến gái miền Tây" của Võ Đăng Khoa đạo diễn, ra rạp năm 2022, kể câu chuyện tiếp nối của web-drama "Ghe bẹo ghẹo ai" cũng gặp cảnh tương tự.
"Web-drama lên điện ảnh không hề dễ dàng vì khoảng cách lớn giữa một phim dài tập chiếu miễn phí cho khán giả trên mạng và một phim điện ảnh chiếu rạp để thu tiền từ khán giả. Nếu tác phẩm không đủ chinh phục từ mọi khâu thì rất khó để thành công doanh thu. Khán giả hiện nay cũng khác so với trước đây, họ đòi hỏi nhiều hơn, chọn lọc kỹ hơn sản phẩm giải trí" - biên kịch Đông Hoa nhận định.
Ý kiến trái chiều
Vài năm trước, thị trường điện ảnh Việt từng có phim "Chị Mười Ba: Phần kết Thập Tam Muội" và "Chị Mười Ba: Ba ngày sinh tử" là tác phẩm phát triển từ web-drama "Thập Tam Muội" của Thu Trang - Tiến Luật, phim "Pháp sư mù" từ web-drama "Ai chết giơ tay" của Huỳnh Lập, phim "Bố già" từ web-drama "Bố già" của Trấn Thành. Các phim này đều thành công doanh thu, trong đó "Bố già" còn lập kỷ lục với doanh thu cao nhất lịch sử điện ảnh Việt với 427 tỉ đồng trước khi bị "Nhà bà Nữ" vượt mặt.
Những phim này đều tạo nên nhiều ý kiến trái chiều từ khán giả đến giới chuyên môn. Một số ý kiến cho rằng những phim này chưa là điện ảnh đúng nghĩa từ cách quay dựng cho đến kịch bản, xử lý thoại… Một số ủng hộ cách phát triển các web-drama đình đám lên màn ảnh rộng để đa dạng sản phẩm, mang đến nhiều sự chọn lựa cho khán giả. Nhưng rõ ràng, việc phát triển web-drama thành phim điện ảnh không phải dễ dàng và không được sự ủng hộ của người làm nghề.
"Chúng tôi có đến 3 phần web-drama "Chuyện xóm tui" mới nghĩ đến việc làm phim điện ảnh "Con Nhót mót chồng" sẽ ra rạp từ ngày 28-4. Những phần đầu, chúng tôi không làm phim điện ảnh vì không tìm được ý tứ, câu chuyện đủ hấp dẫn để đưa lên màn ảnh rộng. Đến phần 3, khi chúng tôi gặp đúng ê-kíp, đúng người đồng hành, đúng thời điểm và có câu chuyện đủ sức nặng thì mới nghĩ đến việc làm phim điện ảnh" - nhà sản xuất kiêm diễn viên Thu Trang thông tin.
Theo những người trong cuộc, phim điện ảnh không phải là sân chơi để thử sức, thử nghiệm bởi tốn kém và đắt đỏ. Mỗi nhà làm phim đều thận trọng với các dự án của mình vì lo ngại mất chi phí rất lớn nếu dự án thất bại.
Trong khi đó, web-drama lại là sân chơi đỡ tốn kém hơn cho những nhà làm phim trẻ muốn tạo dựng danh tiếng, tìm cơ hội tăng lượng người hâm mộ, rèn nghề với những sản phẩm miễn phí. Hai mục đích, đối tượng khác nhau, phương thức khác nhau do vậy khi chọn lựa phát triển sản phẩm điện ảnh từ web-drama, nhà làm phim cần tính toán thấu đáo, chuẩn bị kỹ lưỡng.