Văn Lâm và hành trình xuất ngoại đáng ngưỡng mộ

Đặng Văn Lâm đã chính thức trở về Việt Nam để đầu quân cho CLB Bình Định. Theo đó, bản hợp đồng kéo sẽ dài 3,5 năm với mức phí lót tay thuộc top cao nhất lịch sử bóng đá Việt Nam. Lương của Lâm Tây cũng thuộc dạng cao nhất nhì V-League với khoảng 400 triệu/tháng.

Nhìn vào đội hình toàn ngôi sao mà Bình Định đang sở hữu, rõ ràng, đây là một đội bóng chất lượng và tham vọng. Một đội bóng có tiềm lực như vậy, sự góp mặt của Văn Lâm được xem như để chắp thêm cánh cho đội bóng đất Võ.

Với cá nhân Văn Lâm, sự trở lại này không chỉ là vì vị thế của thương hiệu cá nhân mà còn vì cơ hội cho chính anh. Bởi lẽ, cuối năm nay, đội tuyển Việt Nam sẽ thi đấu tại AFF Cup 2022, Văn Lâm muốn có cơ hội được bắt chính.

Việc Tấn Trường và Nguyên Mạnh lần lượt thay nhau chiếm lĩnh vị trí số 1 ở đội tuyển Việt Nam thời gian qua rõ ràng là một lời cảnh báo về cơ hội của thủ môn này ở đội tuyển quốc gia. Văn Lâm đầu quân cho Bình Định được xem là thương vụ tốt cho cả hai.

Đặng Văn Lâm - Từ việc viết tâm thư cầu cứu đến hành trình xuất ngoại tuyệt vời

Văn Lâm có thời điểm được xem là cầu thủ thành công nhất khi xuất ngoại. Thủ môn Việt kiều từng thi đấu cho Muangthong United tại Thai League từ mùa giải 2019, thường xuyên bắt chính và trở thành trụ cột của đội bóng này.

Chính điều đó đã giúp anh có được cơ hội chuyển đến Cerezo Osaka tại J.League 1 kể từ mùa giải 2021. Văn Lâm trở thành cầu thủ Việt Nam đầu tiên chơi bóng cho giải đấu cao nhất tại Nhật Bản. Rõ ràng, đó là một hành trình cực kỳ đáng ngưỡng mộ.

Tuy nhiên, ít ai biết được rằng, để có được hành trình đó thì Đặng Văn Lâm đã phải trải qua những gì.

Bị đồng đội đòi đánh tập thể ngay trên sân

Vào ngày 28/8/2016, CLB chủ quản của Văn Lâm khi ấy là Hải Phòng có chuyến làm khách trước Cần Thơ tại vòng 23 V.League 2016. Ngay sau khi trận đấu kết thúc với tỷ số 3-2 nghiêng về đội chủ nhà, một số cầu thủ đất Cảng như Quốc Trung, Lê Văn Thắng, Đình Bảo… đã lao vào định đánh Đặng Văn Lâm với lý do thủ môn đội mình mắc sai lầm dẫn đến bàn thua thứ 3.

Cụ thể ở phút 77, thủ thành Việt kiều đã thiếu chủ động và khép góc không kín để Oseni đánh đầu ghi bàn ấn định chiến thắng cho Cần Thơ. Hàng thủ Hải Phòng cũng có lỗi trong tình huống này khi theo người không sát.

Sau khi bị can ngăn việc lao vào đánh đồng đội, các cầu thủ trên đã liên tục chửi thề và có những lời lẽ hết sức nặng nề với Lâm "Tây".

Trong khi đó trước sự phản ứng của đồng đội, Đặng Văn Lâm hành xử khá chừng mực khi chỉ lặng lẽ thu xếp hành lý để rời sân. Nhiều người khen ngợi cách hành xử của thủ thành Việt kiều, nếu không có thể sẽ có màn ẩu đả ngay trên sân bóng.

Đặng Văn Lâm: Từ lá thư đầy lỗi chính tả đến ngôi sao nhận lương 400 triệu/tháng
Văn Lâm nhiều lần bị đuổi đánh ở CLB Hải Phòng

Tới năm 2017, làng bóng đá Việt Nam lại "nổi bão" với việc thủ thành Đặng Văn Lâm bị cựu cầu thủ Lê Sỹ Mạnh xông vào tận phòng riêng đòi đánh.

Quá bất ngờ trước hành động của người đàn anh đang là thành viên ban huấn luyện đội bóng, Đặng Văn Lâm đã bỏ chạy và vấp ngã dẫn đến chấn thương mắc cá chân.

Nguyên nhân xuất phát từ việc Lâm "Tây" mắc sai lầm trong trận đấu gặp B.Bình Dương tại vòng 17 V.League 2017. Cụ thể, thủ thành 24 tuổi ra vào không hợp lý để tiền đạo Diogo đánh đầu ấn định chiến thắng 2-0 cho đội khách.

Sau đó, Văn Lâm đã to tiếng với một hậu vệ đội nhà. Hậu vệ này lại thân thiết với Sỹ Mạnh dẫn đến việc Lâm "Tây" bị người đàn anh rượt đánh.Văn Lâm đã phải nhập viện để xử lý vết thương.

Lá thư 'cầu cứu' đầy lỗi chính tả

Những lần bị đuổi đánh ấy không phải là "những nốt trầm" duy nhất trong sự nghiệp của Đặng Văn Lâm. Với những ai từng biết đến bức tâm thư của thủ môn Việt kiều năm 2015, sẽ hiểu được tính cách của Đặng Văn Lâm với sự quyết tâm lớn như thế nào.

Bảy năm trước, đó chỉ là một Lâm "Tây" còn non nớt, chỉ hy vọng được HLV khi đó là Toshiya Miura để mắt tới mà thoả ước nguyện khoác lên mình màu áo đỏ của đội U22 Việt Nam. Khó trách Miura, bởi khi đó bất kỳ HLV nào cũng có thể lắc đầu với Đặng Văn Lâm vì anh chỉ chơi bóng ở Hải Phòng, sau một thời gian trôi nổi nhiều nơi và không để lại bất kỳ dấu ấn nào.

Chính vì thế, khao khát được vươn đến một nấc thang, một đẳng cấp khác trong sự nghiệp của cầu thủ Việt kiều có bố là người Việt này, thực sự đáng trân trọng.

Trong bức thư đầy lỗi chính tả khi đấy, Văn Lâm viết: "Mong muốn nhất bây giờ là về Việt Nam thử việc cho đội tuyển U23. Một lần nữa thôi, không cần thì Lâm sẽ về Nga và không phiền nữa đâu ạ. Lâm đẻ ra ở Nga nhưng bố của Lâm là người Việt Nam. Lâm có hộ chiếu Việt Nam, biết nói và đọc tiếng Việt. Lâm sống 5 năm ở Việt Nam".

"Về chuyên môn Lâm không yếu, từng được đào tạo ở các CLB nổi tiếng bên Nga. Lâm chịu không nổi được nữa khi thấy các bạn đang tập mà không có Lâm ở đấy", những dòng chia sẻ vừa khẩn thiết vừa kiên định của Lâm nhận được rất nhiều phản hồi tích cực của người hâm mộ.

Đặng Văn Lâm - Từ việc viết tâm thư cầu cứu đến hành trình xuất ngoại tuyệt vời

Văn Lâm là cầu thủ hiếm, nếu không muốn nói là duy nhất, gieo gửi hy vọng lên tuyển mong manh bằng một tâm thư trên... Facebook. Lời "cầu cứu" của Lâm "Tây" nói lên hai vấn đề khi ấy.

Thứ nhất, bóng đá Việt khi ấy không có đủ hệ thống tuyển trạch để theo dõi, nhận định, đánh giá tài năng của những cầu thủ mang dòng máu Việt trên khắp thế giới.

Thứ hai, cách thể hiện của Văn Lâm lại cho thấy khao khát khoác áo tuyển Việt Nam của anh. Đôi chút ngô nghê, nhưng ẩn chứa sự chân thành.

HLV Miura không rõ có biết tới lời "kêu cứu" của Lâm hay không, nhưng đến ngày ông rời Việt Nam, Lâm "Tây" vẫn chưa đoái hoài. Phải đến khi Văn Lâm về Việt Nam, từng bước khẳng định tên tuổi ở Hải Phòng, anh mới được HLV Nguyễn Hữu Thắng trao cho cơ hội đầu tiên.

Dù vậy, hành trình lên tuyển của Văn Lâm đầy rẫy chông gai. Lâm từng ký hợp đồng đào tạo trẻ với HAGL nhưng không được trọng dụng, bị đẩy sang Lào rồi cho mượn đến CLB TPHCM trước khi trở lại Nga năm 2014. Ngày Lâm về nhà, bố anh sắp xếp cho con trai học ngành kế toán, dứt khoát bỏ nghiệp "quần đùi áo số".

Đặng Văn Lâm - Từ việc viết tâm thư cầu cứu đến hành trình xuất ngoại tuyệt vời

Nhưng Văn Lâm không dừng lại, và bóng đá Việt Nam đã tránh được cảnh ngộ mất đi một thủ môn giỏi.

"Những người theo dõi tôi cũng biết con đường của Lâm chưa bao giờ dễ cả, nhưng đấy mới là động lực để tôi không ngừng nỗ lực và phấn đấu. Trong máu Lâm có 'tinh thần người Việt Nam' và tôi sẽ không bao giờ bỏ cuộc", Văn Lâm nói.

Cách thể hiện có khác so với dòng chia sẻ năm nào, nhưng khát khao vẫn nguyên vẹn.

Quá trình khẳng định tên tuổi của Văn Lâm không chỉ là câu chuyện thành công của một cầu thủ bóng đá, mà còn mang đến bài học về ý chí quyết tâm, sự nỗ lực không biết mệt mỏi và tinh thần không bỏ cuộc cho các CĐV vẫn luôn yêu mến đội tuyển Việt Nam nói chung và thủ môn Đặng Văn Lâm nói riêng.