'Độc cô cầu bại' chuyện chưa kể là serie 3 phần phỏng vấn của NETBIZ với Nguyễn Trần Duy Nhất - huyền thoại sống của làng Muay Thái Việt Nam nói riêng. Tại 'Độc cô cầu bại' chuyện chưa kể, Nguyễn Trần Duy Nhất sẽ kể lại những câu chuyện đặc biệt của chàng võ sĩ tài hoa hay trong suốt sự nghiệp của mình. Qua đó, khán giả sẽ thấy được những khía cạnh mới lạ của Duy Nhất, đằng sau sàn đấu võ đài quen thuộc...
'Độc cô cầu bại' chuyện chưa kể: Ý nghĩa cái tên Duy Nhất

Xin chào Nguyễn Trần Duy Nhất, có nhiều người thắc mắc rằng với việc được sinh ra trong một gia đình có truyền thống Võ đạo, là con của cặp võ sĩ lừng danh một thời là võ sư Nguyễn Trần Diệu và nữ võ sĩ Minh Ánh Ngọc, một bối cảnh gia đình như vậy thì việc theo nghiệp võ có phải là một nhiệm vụ bắt buộc với anh?

Thực sự thì Nhất may mắn được sinh ra trong một gia đình có truyền thống võ thuật. Từ nhỏ thì ba mẹ cũng như là ông nội cũng đã mở một phòng tập ở nhà. Mỗi ngày, tôi đều nhìn thấy cảnh các anh các chị học viên tập luyện. Những hình ảnh như vậy đã in sâu vào trong tiềm thức của tôi, từ đó tôi đến với võ thuật từ khi nào không hay.

Khi còn nhỏ thì tôi tập múa quyền với mục đích là cho dẻo dai cơ thể, khỏe mạnh. Dần dần sau này thì tôi cảm thấy mình thích với võ thuật, có một sự đam mê cực kỳ lớn. Từ những điều nhỏ nhặt như xem TV rồi thấy các VĐV đấu giải quốc tế, khoác áo Việt Nam lên người, tôi ước mơ một ngày nào đó được như họ.

Những ước mơ đó cứ lớn dần theo năm tháng, tôi càng ngày càng tập luyện chuyên sâu hơn để tiến gần với mục đích mà mình đặt ra. Đến thời điểm hiện tại thì tôi thấy tự hào với chính bản thân tôi khi đã nỗ lực để tới được với ước mơ.

Ba mẹ tôi chưa bao giờ bắt tôi phải đi theo nghiệp võ cả, họ cho tôi tự do thoải mái. Giống như các anh chị em của tôi vậy, có người thì tập võ để khỏe thôi chứ không thi đấu như tôi. Bản thân tôi thích được thi đấu, thích cảm giác được bước lên sàn đài. Cho nên, việc tôi đi theo nghiệp võ thuật không phải là nhiệm vụ bắt buộc của bố mẹ đặt ra, mà đơn giản chỉ là bản thân tôi chọn con đường này, tôi thích điều đó và tự tôi quyết định, tôi hoàn toàn tự nguyện và theo đuổi nó.

'Độc cô cầu bại' chuyện chưa kể: Ý nghĩa cái tên Duy Nhất

Tôi còn nhớ là có một chi tiết khá thú vị mà anh từng chia sẻ, đó là việc anh yêu bộ môn Muay Thái này thông qua một bộ phim điện ảnh. Anh có thể kể lại câu chuyện này?

(Cười). Ngày xưa, lúc tôi còn nhỏ thì thường nghe bố mẹ kể những câu chuyện đánh võ đài. Thời của bố mẹ tôi thì đánh kiểu quyền anh tự do, sử dụng cùi chỏ, đầu gối – giống như bộ môn Muay Thái bây giờ.

Sau này thì cùi chỏ và đầu gối thì không được đánh nữa, đổi thành Võ cổ truyền Việt Nam bây giờ. Thời điểm bắt đầu thì tôi vẫn theo đuổi Võ cổ truyền, đến năm 2007 thì tôi được tiếp xúc với một bộ phim có tên là Truy tìm tượng phật của Tony Jaa. Lúc đấy thì tôi thấy rằng bạn này đánh bằng các đòn chỏ, đầu gối rất đẹp và cuốn hút. Từ đấy thì tôi tìm hiểu và biết rằng đó là môn võ Muay Thái của Thái Lan.

Đến năm 2008 thì ở TP.HCM có đợt tuyển sinh VĐV bộ môn Muay Thái, tôi muốn thử sức mình ở bộ môn này, muốn được trở lại cái thời của ông nội, của ba mẹ mình đấu võ đài nên đăng ký tham gia. Từ đó thì tôi bén duyên và theo đuổi đam mê này luôn.

'Độc cô cầu bại' chuyện chưa kể: Ý nghĩa cái tên Duy Nhất

Có một chi tiết nữa về Nguyễn Trần Duy Nhất mà ít người để ý đó chính là ở ngay cái tên của anh. Anh tên là Duy Nhất, còn em trai của anh tên là Tự Do. Những cái tên này chắc chắn ít nhiều mang trong mình những thông điệp từ bố mẹ của anh?

Đây là một chi tiết rất thú vị. Chắc chắn là cái tên của mình thì mình phải tìm hiểu về nó. Ngày xưa ông nội có 2 người con trai, bố tôi là Nguyễn Trần Diệu – biệt danh là Tấn Phi Diệu, còn người em của bố tôi là Nguyễn Trần Duy – biệt danh là Tấn Nhất Duy.

Bố tôi và chú Duy ngày xưa thi đấu võ đài cũng thuộc dạng là nhất nhì Việt Nam, không có đối thủ. Bố tôi thì lại rất thương em trai, cho nên là khi sinh tôi ra thì ông đặt tên tôi là Duy Nhất – đảo ngược lại của tên em trai (Nhất Duy) để giữ lại kỷ niệm của hai anh em.

Tôi thấy rất tự hào khi cái tên của tôi có ý nghĩa đặc biệt như vậy.

'Độc cô cầu bại' chuyện chưa kể: Ý nghĩa cái tên Duy Nhất

Cái tên Duy Nhất đã làm được những điều có thể xem là duy nhất ở Việt Nam trong suốt những năm anh thi đấu võ chuyên nghiệp. Ngay ở lúc này đây, khi nhìn lại chặng đường thi đấu chuyên nghiệp từ năm 14 tuổi đến 35 tuổi, anh cảm thấy mình đã nhận được gì và mất điều gì khi đi theo con đường này?

Khi tôi quyết định theo võ thuật chuyên nghiệp thì không phải vì truyền thông gia đình mà đơn giản đến từ đam mê của chính bản thân tôi. Cái cảm giác hạnh phúc nhất của tôi có lẽ là ở khoảnh khắc bước lên sàn đấu. Nơi đó là nơi tôi thuộc về, nơi đó là nơi tôi cảm thấy thoải mái nhất.

Vậy nên là tôi không cảm thấy hối tiếc bất cứ điều gì khi theo đuổi hành trình này.

Còn ở khía cạnh “được”, tôi phải nói là tôi đã nhận được quá nhiều thứ từ Muay, từ võ thuật. Nhưng cảm giác vui nhất chắc chắn là việc được gia đình ủng hộ hết mình, được mọi người ủng hộ và yêu mến. Đó là cái cảm giác mà không có gì có thể đánh đổi được.

Có giai đoạn nào trong sự nghiệp mà anh cảm thấy mình tưởng chừng đã không thể vượt qua nó không? Giai đoạn nào mà bây giờ anh nhìn lại anh cảm thấy khó khăn nhất trong hành trình theo đuổi đam mê?

Thực sự thì những lần tôi bị chấn thương hay thua cuộc, tôi cảm thấy rất buồn. Nhưng lần đầu tiên thất bại là lúc tôi buồn nhất. Tôi đã khóc rất nhiều vì những chấn thương ảnh hưởng đến sự nghiệp cũng như là hành trình thi đấu của mình.

Có lẽ đó là những lúc tôi buồn nhất, nhưng khi nghĩ lại và so sánh điều đó với những câu chuyện ở xã hội, những mảnh đời ở bên ngoài cuộc sống thì tôi thấy “À, hóa ra chuyện của mình chẳng là gì cả”.

Những lúc gục ngã, tôi thường nghĩ đến những người sinh ra không được may mắn như tôi. Họ bị tật nguyền, họ thiếu thốn đủ đường nhưng vẫn vươn lên trong cuộc sống, vậy thì tại sao tôi được sinh ra lành lặn, khỏe mạnh thì tại sao lại dễ dàng bỏ cuộc như vậy được.

Cho nên những vấn đề và trở lại suốt mười mấy năm qua, chẳng là gì so với tôi cả. Vì đơn giản là tôi biết cách để vượt qua chúng và lấy đó làm nấc thang để tôi bước đến thành công trong sự nghiệp.

'Độc cô cầu bại' chuyện chưa kể: Ý nghĩa cái tên Duy Nhất

Khi nghe tới câu chuyện anh nghĩ đến những hoàn cảnh khác trong xã hội thì tôi cảm thấy được một sự trách nhiệm với cộng đồng của Nguyễn Trần Duy Nhất

Qủa thật là đúng như vậy, ở Việt Nam mình thì cực kỳ thích võ thuật, mọi người rất mê và muốn khẳng định bản thân. Tuy nhiên thì cơ hội để các bạn trẻ trải nghiệm, để họ phát huy phẩm chất của bản thân thì chưa có nhiều. Cho nên là tôi luôn nhắc nhở bản thân phải thật cố gắng, phải giành được những thành tích lớn ở quốc tế, phải đưa lá cờ Việt Nam tung bay ở sân chơi khu vực hay thế giới. Từ đó thì tôi có thể khẳng định được năng lực của người Việt, hay xa hơn là tạo được cho các bạn trẻ một nguồn động lực lớn trong hành trình theo đuổi đam mê.

Lúc đấy thì các bạn trẻ sẽ nghĩ rằng “anh Nhất làm được thì chắc chắn mình sẽ làm được”. Tôi muốn thế hệ sau tôi phải nghĩ như vậy, và quan trọng hơn nữa là sau này, các võ sĩ của Việt Nam sẽ giỏi hơn Duy Nhất gấp nhiều lần, để có thể sánh vai với quốc tế...

Còn nữa (Phần 2: "Gia đình là viên pin vô tận của tôi")