Bệnh vảy nến gây ra những mảng da đỏ, ngứa ngáy, có vảy ở trên và thường xuất hiện ở những vùng da hay bị ma sát như đầu gối, khuỷu tay, thân mình và da đầu. Đây là một bệnh lý mạn tính và chưa có thuốc đặc trị.
Những điều cần biết về bệnh vảy nến

Bệnh vảy nến khó trị dứt điểm (Ảnh minh họa)

Người bệnh thường có các đợt bùng phát kéo dài trong vòng vài tuần hoặc vài tháng, sau đó triệu chứng sẽ thuyên giảm và không có biểu hiện trong một thời gian. Tuy vậy, bệnh này thường xảy ra theo chu kỳ. Các phương pháp điều trị sẽ tập trung vào việc giảm nhẹ và kiểm soát triệu chứng bệnh.

Các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh vảy nến

Triệu chứng bệnh vảy nến nói chung là xuất hiện những mảng dày, đỏ được bao phủ bởi các vảy trắng hoặc bạc. Bên cạnh đó, tuỳ thuộc vào vị trí xuất hiện và đặc điểm của các tổn thương, các triệu chứng riêng biệt theo từng dạng bệnh có thể kể đến như sau: Xuất hiện nhiều mảng da đỏ, có vảy dày và óng ánh bạc, có nhiều đốm vảy nhỏ (thường thấy ở trẻ em), da khô, nứt nẻ, có khi chảy máu hoặc ngứa ngáy, cảm giác ngứa, nóng rát hoặc đau nhức ở vùng da bị ảnh hưởng,...

Các mảng da bị vảy nến có thể chỉ là một vài điểm nhỏ có vảy trông như gàu hoặc là cả vùng da lớn. Các khu vực dễ bị ảnh hưởng nhất gồm vùng lưng dưới, khuỷu tay, đầu gối, chân, lòng bàn chân, da đầu, mặt và lòng bàn tay.

Phần lớn người bệnh đều trải qua các triệu chứng theo chu kỳ. Các đợt bùng phát có thể kéo dài vài tuần hoặc vài tháng, sau đó giảm dần và biến mất trong một khoảng thời gian trước khi tái phát.

Các dạng bệnh vảy nến

Tình trạng này còn được phân loại thành các thể khác nhau, bao gồm:

  • Vảy nến thể mảng (plaque psoriasis). Đây là dạng phổ biến nhất, gây ra các mảng da khô sần, đỏ (tổn thương) và có vảy bạc. Người bệnh có thể cảm thấy ngứa và đau ở những mảng da này. Vùng da ở khuỷu tay, đầu gối, vùng lưng dưới và da đầu thường bị ảnh hưởng khá nhiều.

  • Vảy nến móng (nail psoriasis). Bệnh lý có thể ảnh hưởng đến móng tay và móng chân, gây lõm hoặc tạo ra các đường rãnh trên móng, khiến móng thay đổi hình dạng hoặc đổi màu. Vảy nến ở móng có khi khiến móng bị lỏng và tách ra khỏi giường móng. Trường hợp nghiêm trọng sẽ khiến móng bị giòn và dễ khiến móng tay bị gãy.

  • Vảy nến thể giọt (guttate psoriasis). Dạng này thường ảnh hưởng đến cả người lớn và trẻ em. Bệnh thường được kích hoạt do một tình trạng nhiễm khuẩn như viêm họng do liên cầu khuẩn. Người bệnh sẽ gặp các tổn thương nhỏ, hình giọt, có vảy ở trên da, thường xuất hiện ở vùng thân mình, cánh tay hoặc chân.

  • Vảy nến đảo ngược (inverse psoriasis). Tình trạng này chủ yếu xảy ra ở các nếp gấp vùng háng, mông hay ngực. Người bệnh có các vùng da đỏ ửng, mịn màng và trở nên nghiêm trọng hơn khi có ma sát hay đổ mồ hôi. Nhiễm nấm có thể kích hoạt dạng vảy nến này.

  • Vảy nến thể mủ (pustular psoriasis). Dạng này khá hiếm gặp, có thể gây ra các tổn thương mụn mủ rõ ràng, xảy ra ở một mảng rộng (vảy nến thể mủ toàn thân) hoặc ở các khu vực nhỏ hơn như lòng bàn tay, lòng bàn chân.

Những điều cần biết về bệnh vảy nến
Vảy nến ảnh hưởng lớn đến mặt thẩm mỹ của bệnh nhân (Ảnh minh hoạ)

Chế độ ăn uống cho người bệnh vảy nến

Theo Tổ chức Bệnh vảy nến Quốc gia, ăn một chế độ ăn uống lành mạnh có thể giúp một người bị bệnh vẩy nến kiểm soát các triệu chứng của họ và giảm nguy cơ phát triển các biến chứng nhất định.

Viêm là một triệu chứng chính của bệnh vẩy nến. Một số lựa chọn thực phẩm có thể giúp giảm hoặc thậm chí ngăn ngừa chứng viêm trong cơ thể. Duy trì một chế độ ăn uống lành mạnh cũng có thể làm giảm nguy cơ phát triển các biến chứng như tiểu đường, huyết áp cao và bệnh tim.

Tổ chức Bệnh vẩy nến Quốc gia khuyến cáo những người mắc bệnh này nên ăn một chế độ ăn uống đa dạng, lành mạnh bao gồm:hạn chế uống rượu, ưu tiên các nguồn protein nạc, chẳng hạn như ức gà, ăn cá giàu axit béo omega-3, giảm lượng gluten, nếu một người bị dị ứng với gluten và tránh thực phẩm gây viêm nhiễm, chẳng hạn như carbohydrate đơn giản và chất béo bão hòa.

Điều trị vảy nến

Mục tiêu trong điều trị vảy nến là ngăn chặn sự phát triển quá nhanh của các tế bào da và loại bỏ những vùng da có vảy. Các lựa chọn chữa bệnh này bao gồm dùng kem và thuốc mỡ bôi lên vùng da bị ảnh hưởng, liệu pháp ánh sáng (liệu pháp quang học), dùng thuốc đường uống hoặc tiêm. Cụ thể các phương pháp điều trị bệnh vảy nến có thể được bác sĩ chỉ định: điều trị tại nhà, quang trị liệu, dùng thuốc sinh học, …

Cách chữa vảy nến sẽ phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh và khả năng đáp ứng của người bệnh với phương pháp điều trị trước đây. Bạn sẽ cần thử nhiều loại thuốc khác nhau hoặc kết hợp nhiều phương pháp điều trị để tìm ra cách phù hợp với tình trạng bệnh của bản thân. Tuy nhiên, bệnh thường vẫn tái phát, nhất là khi có yếu tố kích hoạt.

Nhiều người bệnh vảy nến cũng có những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng khác như bị đái tháo đường, bệnh tim hay trầm cảm. Do đó, bác sĩ sẽ lên kế hoạch điều trị và kiểm soát tốt các bệnh lý hiện có.