Sinh viên Báo chí chi hơn 120 triệu làm kịch
“Nằm khóc một mình” là vở kịch dài thuộc dự án Sân khấu Kịch Báo chí Nhân văn do CLB Kịch khoa Báo chí & Truyền thông - Trường Đại học KHXH&NV ĐHQG-HCM sản xuất. Đây đã là vở diễn độc quyền thứ 6 của sân khấu sinh viên này. Khác biệt với nhiều CLB, sân khấu quy mô trường học thường diễn lại các vở kịch kinh điển hoặc tiểu phẩm, Sân khấu Kịch Báo chí Nhân văn đã có 5 năm duy trì biểu diễn, giới thiệu đến công chúng những tác phẩm kịch dài mới toanh được viết và dàn dựng độc đáo.
Bao giờ Việt Nam có 'biên kịch vàng'? Nghệ sĩ Phương Dung hội ngộ bạn diễn ăn ý, đình đám một thời sau 15 năm NSND Việt Anh trải lòng mong muốn trở lại sân khấu kịch |
"Nằm khóc một mình" sẽ có 2 suất chiếu vào ngày 26/05 và 10/06 sắp tới |
Lấy bối cảnh Đà Lạt mộng mơ những năm 80, “Nằm khóc một mình” xoay quanh chuyện tình lãng mạn nhưng lắm ngang trái giữa chàng ca nhạc sĩ nghèo Trần Phong và tiểu thư Đài Trang. Biến cố lớn xảy ra cùng sự “trở về” của bà Kim Ngân từ… tương lai đã cuốn tất cả vào một vòng lặp thời gian không lối thoát. Những tâm hồn phiêu lãng phải lựa chọn thế nào để thoát khỏi bi kịch tình - tiền mà không đánh mất tương lai rực rỡ của riêng mình?
Đến với “Nằm khóc một mình”, khán giả sẽ được đắm mình vào bầu không khí nên thơ của lời ca, tiếng đàn; chu du trong miền hồi ức lãng mạn nhưng nhiều day dứt của các nhân vật. Vở diễn còn tái hiện những hình ảnh đẹp nức lòng nơi phố núi Đà Lạt cuối thập niên 80 đầy hoài niệm: quán trà với tiếng đàn phiêu lãng của người nghệ sĩ; Chợ Đà Lạt về đêm; hồ Xuân Hương dưới những cơn mưa phùn rả rích; và cả một… nghĩa trang vô danh với nỗi cô đơn và chơi vơi ngập tràn.
Vở kịch có nội dung xoay quanh về câu chuyện tình ngang trái giữa chàng nhạc sĩ nghèo Trần Phong và tiểu thư Đài Trang |
Nói về điểm đặc biệt của kịch bản lần này, Nguyễn Đức Huy - Tác giả và Dàn dựng vở diễn chia sẻ: “Vì kể câu chuyện cuộc đời của những người yêu nghệ thuật nên chất văn học được tô đậm. Nỗi buồn trong vở kịch cũng phức tạp và sâu sắc hơn những tác phẩm từng được CLB dàn dựng rất nhiều. Vì vậy, diễn viên cần nắm chắc tính cách nhân vật và trau chuốt kỹ lưỡng trong diễn xuất. Làm sao để nỗi buồn đó không cường điệu, cũng không ủy mị, mà lại rất lửng lơ và khó tỏ bày!”. Nỗi đau của nhân vật trong kịch bản còn được Đức Huy mô tả là rất tỉ tê và dai dẳng, kéo dài suốt nhiều năm cuộc đời và đang chờ được chia sẻ cùng khán giả tại 2 đêm diễn sắp tới.
Cũng liên quan tới diễn xuất, Võ Ngọc Quỳnh Như - Diễn viên gắn bó với CLB từ ngày đầu thành lập chia sẻ: “Về mặt tâm lý, mình nghĩ phải đào xới cho được ‘người nghệ sĩ’ trong mình và tin là người ấy có tồn tại. Còn về kỹ thuật biểu diễn, phải tập ăn nói, đi đứng, biểu lộ tình cảm, tâm tư sao cho ra cái chất của những người sống tại Đà Lạt hơn 30 năm về trước”.
Các bạn sinh viên CLB Kịch khoa Báo chí & Truyền thông - Trường Đại học KHXH&NV ĐHQG-HCM tích tực tập luyện cho 2 đêm diễn sắp tới |
Để tái hiện được không gian Đà Lạt cuối thập niên 80 trên sân khấu, bộ phận sản xuất đã dành rất nhiều thời gian và tâm huyết để tập trung thi công cảnh trí và chuẩn bị đạo cụ. Nguyễn Ngọc Uyên Nhi - Trưởng Ban sản xuất chia sẻ: “Tư liệu về Đà Lạt xưa cực kỳ hiếm nên công đoạn tìm kiếm, nghiên cứu, hiện thực hóa những ý tưởng vô cùng khó khăn. Bên cạnh đó, các thành viên trong CLB hầu hết là sinh viên, chưa có nhiều kinh nghiệm chế tác, nên các bạn phải cố gắng rất nhiều để cho ra một tác phẩm chỉn chu nhất có thể”.
Song song với sản xuất, phục trang cũng là khâu trọng yếu giúp vở kịch hoàn thiện và đến gần hơn với khán giả. Nói về những thử thách khi đảm nhận phục trang “Nằm khóc một mình”, Lê Ngọc Gia Hân - Trưởng Ban phục trang bộc bạch: “Phục trang trong vở không chỉ đơn giản là những bộ quần áo để mặc, mà thông qua kiểu dáng và màu sắc của trang phục, nó còn phải thể hiện được tính cách và tâm lý nhân vật. Bên cạnh đó, vì các bạn diễn viên đều là sinh viên, ngân sách không nhiều để đầu tư cho các bộ trang phục đã được lên ý tưởng nên hầu hết phải mượn hoặc săn ở chợ đồ cũ”.
Không chỉ tỉ mỉ về nội dung, phục trang của dàn diễn viên cũng được chú trọng |
Vở diễn “Nằm khóc một mình” được chính thức tập luyện từ cuối tháng 3 với nhân sự gần 30 người, cùng làm việc với nhau hơn 3 tháng. Với sự đầu tư, nỗ lực và niềm đam mê hết mình với nghệ thuật của từng thành viên, CLB mong muốn mang đến một Đà Lạt vừa lạ vừa quen, đọng lại được nhiều cảm xúc cho khán giả sau vở diễn.
Bùi Triệu Vy - Thành viên Ban Chủ nhiệm, trực tiếp chịu trách nhiệm sản xuất vở diễn, tâm sự: “Vì thành viên trong CLB có lịch sinh hoạt khác nhau, nên đòi hỏi mỗi người phải tự cắt giảm quỹ thời gian và sắp xếp công việc cá nhân để dành cho vở kịch sự chuẩn bị chỉn chu nhất có thể. Tình cảm và sự ủng hộ của khán giả cũng chính là động lực to lớn để các thành viên trong CLB cùng nhau cố gắng. Tụi mình đang nỗ lực từng ngày để chuyên nghiệp hóa sân khấu này”.
CLB kịch mong muốn sẽ mang đến cảm xúc mới mẻ xen lẫn thân quen cho khán giả khi đi xem "Nằm khóc một mình" |
CLB Kịch Khoa Báo Chí & Truyền Thông thành lập đầu năm 2017 với hơn 70 thành viên. Qua hơn 5 năm hoạt động, CLB đã công diễn thành công 5 vở kịch dài. Mùa Diễn 06 cũng là lần đầu tiên Sân khấu Kịch Báo chí Nhân văn biểu diễn hai vở kịch cùng lúc (1 vở mới và 1 vở tái diễn). Theo đó, bên cạnh “Nằm khóc một mình” được dựng mới thì vở “Lá hát như mưa” ở Mùa diễn trước sẽ trở lại phục vụ khán giả. Với bối cảnh Sài Gòn những năm 2000 cùng câu chuyện thấm đượm tình người, “Lá hát như mưa” đã dành được nhiều sự thấu cảm, yêu mến của gần 800 khán giả hồi cuối năm 2022 và tạo được hiệu ứng tốt trên các kênh truyền thông đại chúng.
Thời gian tới, CLB vẫn sẽ cố gắng tổ chức định kỳ 1 năm 2 Mùa diễn với mong muốn mang những chủ đề vừa gần gũi, vừa mới lạ đến gần hơn với khán giả trẻ. Yếu tố chỉn chu và nghiêm túc vẫn sẽ là tinh thần chung mà CLB hướng tới. Bằng tất cả tình cảm và sự trân trọng dành cho kịch nói và sân khấu, các thành viên CLB sẽ tiếp thu những góp ý của khán giả và ngày càng trở nên tốt hơn, trưởng thành hơn để mang đến những tác phẩm chất lượng và đầy giá trị nhân văn đến mọi người.