HLV Mai Đức Chung và chuyện chưa kể về hành trình 'chạm đến giấc mơ' ở tuổi 72
Hồi tháng 3 năm ngoái (gần 1 năm trước khi ĐT Việt Nam được dự World Cup), người viết có dịp được ngồi nói chuyện với ông Mai Đức Chung tại một quán cà phê ở Hà Nội. Thời điểm đó, tôi đơn giản là chỉ muốn gặp ông và để nghe chú kể về những ước vọng cả đời với bóng đá Việt Nam.
Đến hôm nay, khi cái tên Việt Nam đã chính thức được xướng lên tại lễ bốc thăm chia bảng World Cup, tôi lại nhớ về những câu chuyện mà chúng tôi đã tâm sự năm ngoái. Đọng lại trong tôi sau buổi trò chuyện hôm ấy chỉ gói gọn trong 7 chữ “Sự thiệt thòi của những anh hùng”.
Có lẽ tôi sẽ kể lại một mẩu chuyện nho nhỏ trong buổi trò chuyện đấy mà HLV Mai Đức Chung đã tâm sự, để mọi người thấy được rằng người đàn ông năm nay đã 72 tuổi tâm huyết như thế nào với sứ mệnh lịch sử của cả một nền bóng đá.
Bằng một giọng nói trầm ấm và giàu cảm xúc, HLV Mai Đức Chung nghẹn ngào mở màn câu chuyện: “Cách đây vài năm, chú có cơ hội được sờ lên chiếc cúp vàng World Cup sau khi được FIFA tham dự một buổi lễ. Chú có chụp hình lại đấy. Để chú mở cho cháu xem. Khoảnh khắc được sờ lên chiếc cúp đó, chú cảm giác rất đặc biệt. Nói đặc biệt là bởi, cả đời chú gắn bó với bóng đá, từ cầu thủ cho tới HLV, ước mơ của chú đơn giản chỉ là làm được một điều gì đó cho bóng đá Việt Nam.
Đến hôm nay, chú vẫn đau đáu về World Cup - một điều mà chúng ta chưa làm được dù đã từng ở rất gần. ĐT nữ của chúng ta thiệt thòi lắm, chú nói thiệt thòi để mọi người thấy được rằng, nếu sau này chúng ta có được dự World Cup thì nỗ lực của cả tập thể này là lớn đến nhường nào.
Và nếu chúng ta thực sự được dự World Cup thì những cầu thủ nữ đúng là những 'siêu nhân'. Bởi lẽ, chú luôn ví việc Việt Nam đuổi theo những Đài Loan, Thái Lan, Úc, Hàn Quốc, Nhật Bản... để có vé dự World Cup như 'đi bộ mà đua với xe ô tô vậy'. Nói ra không phải là để than thân trách phận, vì đơn giản thì người phụ nữ khi sinh ra vốn đã thiệt thòi hơn người đàn ông rồi.
Nhưng chú kể cho Thái Việt (người viết - PV) nghe để cháu hiểu được một điều rằng, cả tập thể này đã phải trải qua những gì để đem lại vinh quang cho đất nước. Các nữ cầu thủ Việt Nam nói chung hiểu rõ khó khăn của đam mê, thách thức của thời cuộc.
Các bạn ấy đến với bóng đá bằng tình yêu, sự hi sinh vốn là bản chất và cả những định hướng tương lai chưa rõ ràng. Người ta không thể coi bóng đá là nghề của cầu thủ nữ được, mà nó chỉ như một công việc đơn thuần để mưu sinh. Vì nếu là nghề, cầu thủ nữ sẽ sống được với nghề chứ không long đong, lận đận ngay cả khi trở thành nữ anh hùng của quốc gia trong lĩnh vực thể thao.
Chú muốn nhắc đến từ “đói” với Thái Việt. Thực sự, các cầu thủ nữ đã trải qua đúng nghĩa của từ “đói” chứ không khác đi một chút nào. Kim Hồng ngày xưa phải đẩy xe đi bán bánh mì dạo kiếm từng đồng mưu sinh, Nguyễn Thị Liễu thì từng kể với chú là phải đi bán rau ở lề đường.
Chú không muốn kể khổ. Bởi đơn giản rằng, xét về nhiều mặt, người ta đồng cảm với sự khó nhọc của các nữ cầu thủ, đồng cảm với nỗi khổ và sự hi sinh cho nghề nghiệp mà họ theo đuổi. Nhưng sâu xa, không ai có thể đánh lừa hay nói dối cảm xúc thật của mình. Sự công bằng trong cuộc sống là tương đối, đôi khi xuất hiện bất công và chúng ta phải chấp nhận nó dù muốn hay không".
Giấc mộng của HLV Mai Đức Chung thực sự đã trở thành hiện thực. ĐTQG nữ Việt Nam đã xuất hiện tại VCK World Cup 2023 như một giấc mơ với chính vị "cha già" này hay với NHM nước nhà.
Món nợ với Thái Lan được đòi sòng phẳng, “lãi vay” từ Đài Loan tại ASIAD 2018 được HLV Mai Đức Chung thanh toán “không thiếu một đồng”. Trên trang mạng xã hội, một tiền vệ ĐT nữ Việt Nam viết rằng: “Ai đó tát em một cái cho tỉnh người đi ạ. World Cup xin chào Việt Nam”. “Cái tát” ấy có lẽ không còn cần dùng đến nữa. Bởi giấc mơ World Cup với bóng đá nữ Việt Nam đã trở thành hiện thực.