Trong buổi trò chuyện, Tạ Quốc Kỳ Nam - một nhân vật sáng tạo nội dung đang nổi của giới trẻ đã chia sẻ về trải nghiệm công khai xu hướng tính dục với gia đình ở tuổi 32 của mình và những thay đổi mà trải nghiệm này mang đến cho anh. Anh tâm sự: “Sau khi come out, mình có một cảm giác mà mình chưa bao giờ có - đó là sự an tâm, mình ở nhà và cảm thấy đây là nhà của mình. Sau đó cả sức khỏe thể chất và tinh thần của mình đều khá hơn rất nhiều, và đây là phần thưởng xứng đáng cho sự dũng cảm của mình.” Việc công khai với anh “đã khép lại khoảng thời gian mình không được là mình trong gia đình.”

Phụ huynh cộng đồng LGBT trăn trở về quyền kết hôn của con mình

Tạ Quốc Kỳ Nam lần đầu chia sẻ với công chúng về trải nghiệm come out với gia đình của mình. (Ảnh: PFLAG Việt Nam)

Kỳ Nam cũng nhận rằng mình may mắn bởi ba mẹ anh đã trải qua một quá trình thay đổi tâm lý kể từ trước khi anh công khai, nên khi anh quyết định nói ra thì ba mẹ đã sẵn sàng ủng hộ mình.

Tuy nhiên, câu chuyện của người LGBTI+ với gia đình không phải lúc nào cũng đơn giản và thuận lợi như vậy. Cô Đinh Thị Yến Ly, thành viên Hội PFLAG Việt Nam (Hội cha mẹ và người thân của người LGBT) mất tới 5 năm để chấp nhận con trai mình. Cô thừa nhận đã “đối xử với con mình tương đối khắc nghiệt”, thậm chí đã có ý định đuổi con ra khỏi nhà. Mọi chuyện thay đổi khi cô đọc được lá thư của con trai và được anh giới thiệu đến trung tâm ICS và nhận ra rằng mình cần lắng nghe con nhiều hơn và chấp nhận con trai mình.

Phụ huynh cộng đồng LGBT trăn trở về quyền kết hôn của con mình
Buổi trò chuyện với sự tham gia của Giám đốc sáng tạo Tạ Quốc Kỳ Nam, hai đại diện PFLAG Việt Nam, Luật sư Đinh Hồng Hạnh và anh Chu Quốc Anh - người ủng hộ chiến dịch hai khách mời tham gia trò chuyện từ Hà Nội. (Ảnh: PFLAG Việt Nam)

Chú Nguyễn Quý Thắng, một thành viên khác của Hội PFLAG Việt Nam, cũng phải trải qua một giai đoạn đấu tranh tâm lý và tự tìm hiểu mới có thể đồng hành cùng con, chú tin rằng “Nếu có kiến thức về LGBT sẽ bảo vệ cho con mình tốt hơn.”

Phụ huynh cộng đồng LGBT trăn trở về quyền kết hôn của con mình

Chú Nguyễn Quý Thắng, PFLAG Việt Nam (Ảnh: PFLAG Việt Nam)

Ôn lại chặng đường đấu tranh cho quyền lợi của con mình, cô Ly chia sẻ rằng mình từng cảm thấy “tức”, bởi càng làm việc với cộng đồng cô càng cảm thấy “những quyền này con mình đáng lẽ phải được hưởng mà sao lại bị tước mất?”. Đều đã bước qua tuổi 60, cô Ly và chú Thắng đều mong muốn một tương lai nơi con mình được hưởng đầy đủ những quyền ngang hàng như kết hôn dị tính. “Nếu không còn mẹ thì hy vọng sẽ còn bạn đời của Teddy (con trai cô) lo cho nó”, cô Ly chia sẻ đầy xúc động. Con trai chú Thắng tuy đã lập gia đình với bạn đời ở Đức, nhưng khi mới kết hôn đã không thể làm các nghi lễ ở Việt Nam, vì khi đó Việt Nam còn cấm hôn nhân cùng giới. Hiện tại con trai chú và chồng cũng không thể về Việt Nam và hưởng các quyền mà một cặp đôi đã kết hôn vốn có.

Phụ huynh cộng đồng LGBT trăn trở về quyền kết hôn của con mình

Cô Đinh Thị Yến Ly trong buổi chia sẻ (Ảnh: PFLAG Việt Nam)

Khi nói về quyền kết hôn của những cặp đôi cùng giới, luật sư Đinh Hồng Hạnh, người đã có kinh nghiệm làm việc nhiều năm với các nhóm thiểu số kể lại những khó khăn của cộng đồng: “Hồi 2013 có nhiều cặp đôi muốn tổ chức đám cưới cùng giới với nhau, chỉ tổ chức đám cưới thôi chứ không phải kết hôn, mà đám cưới có thể bị phạt bởi nhiều lý do như tội gây rối trật tự công cộng (do nhiều người dừng xe lại xem đám cưới), hay thậm chí là vệ sinh an toàn thực phẩm của nhà hàng.” Chị khẳng định: “Đã là một con người, một công dân có đóng góp cho xã hội này thì cần được thừa hưởng những quyền như nhau.”

Phụ huynh cộng đồng LGBT trăn trở về quyền kết hôn của con mình

Chị Đinh Hồng Hạnh và anh Chu Quốc Anh, hai khách mời tham gia trò chuyện từ Hà Nội. (Ảnh: PFLAG Việt Nam)

Một người đã kết hôn, đồng thời là một người cha, một người ủng hộ chiến dịch Tôi Đồng Ý - anh Chu Quốc Anh, cũng chia sẻ về những trách nhiệm và quyền lợi pháp lý mà anh có với vợ như: Ký tên khi vợ sinh mổ, mua bảo hiểm, bán xe, mua nhà,... Đây đều là những việc mà nhiều cặp đôi khác giới cho là hiển nhiên, nhưng lại là những điều mà các cặp đôi cùng giới không thể làm cùng nhau. “Việc cộng đồng có sự công nhận của pháp luật không lấy đi bất kỳ quyền lợi nào của những người đang có cái quyền đó hết, nó chỉ tạo ra 1 môi trường tốt hơn cho những người đang cần được bảo vệ, cần có sự an tâm trong mối quan hệ họ đang xây dựng.” - anh Kỳ Nam nói.

Phụ huynh cộng đồng LGBT trăn trở về quyền kết hôn của con mình

Chiến dịch Tôi Đồng Ý đã chính thức quay lại sau 10 năm, mở ra nhiều thảo luận ý nghĩa xoay quanh chủ đề “hôn nhân không khuôn mẫu”. Chiến dịch đang kêu gọi sự ủng hộ của xã hội với hôn nhân cùng giới bằng cách ký tên để tạo ra những thay đổi tích cực hướng đến một xã hội bình đẳng và cởi mở hơn với tất cả mọi người!