"Trong ba năm gần đây, thính giác của tôi ngày càng yếu đi ..." - Beethoven, 30 tuổi, đã viết như vậy trong một bức thư gửi người bạn tâm giao.

Tại sao Beethoven dù bị điếc, nhưng vẫn có thể sáng tác nhạc và thành một huyền thoại?

Ludwig van Beethoven, khi sinh thời được nhắc đến như một nhà soạn nhạc thiên tài, có thể nói là xuất chúng nhất từ thời Mozart. Từ những năm 20 tuổi, ông đã được Joseph Haydn ca tụng là một nghệ sĩ piano điêu luyện.

Cũng từ đây, Beethoven đã bắt đầu nghe thấy nhiều tiếng vo ve trong tai báo hiệu một bi kịch khủng khiếp sắp ập đến.

Các triệu chứng xuất hiện ở chàng thanh niên trẻ tuổi Beethoven

Khoảng năm 26 tuổi, Beethoven bắt đầu gặp các vấn đề về thính giác như thường xuyên bị ù và nghe tiếng vo ve trong tai. Năm 1800, ở tuổi 30, ông viết thư từ Vienna cho một người bạn thời thơ ấu - khi đó đang làm bác sĩ ở Bonn - để miêu tả về những triệu chứng. Trong thư có đoạn: "Trong 3 năm gần đây, thính giác của tôi ngày càng yếu dần. Trong rạp hát, tôi phải đến rất gần sân khấu để nghe được âm thanh phát ra từ buổi hòa nhạc, đặc biệt là khi ca sĩ và nhạc công chơi những nốt cao. Thỉnh thoảng tôi cũng khó có thể giao tiếp bình thường khi người đối diện nói quá nhỏ”.

Tuy nhiên trong giai đoạn này, nhà soạn nhạc thiên tài đã cố gắng không tiết lộ về bệnh tình của mình cho những người thân cận nhất vì lo sợ sự nghiệp sẽ bị hủy hoại.

"Hai năm qua, tôi đã tránh gần như tất cả các cuộc gặp mặt thân tình”, Beethoven viết. "Nếu không phải là một nhà soạn nhạc thì sẽ dễ dàng hơn, nhưng đang tiếc là điều đó không phải là sự thật và việc mình đang dần mất khả năng nghe là một cảm giác rất đáng sợ”.

Trong một lần đang đi dạo cùng Ferdinand Ries, cả hai đã nhìn thấy một người chăn cừu đang thổi sáo. Thông qua nét mặt của Ries, Beethoven biết đó là một bản nhạc hay, nhưng âm thanh từ người đồng nghiệp lẫn tiếng sáo ông đều không thể nghe thấy. Người ta nói rằng, đó là khi nhà soạn nhạc thiên tài của chúng ta bị điếc hoàn toàn.

Đâu là nguyên nhân dẫn đến bi kịch của Beethoven?

Việc mất đi thính giác của Beethoven cho đến nay vẫn chưa có nguyên nhân chính xác. Nhiều giả thuyết đã được đưa ra, từ bệnh giang mai đến nhiễm độc chì, sốt phát ban, hoặc thậm chí có thể là thói quen tắm nước lạnh nhằm giữ cơ thể tỉnh táo.

Chính Beethoven cũng khá mù mờ về vấn đề này. Đã có lần ông khẳng định mình bị điếc do một cú va chạm mạnh hồi năm 1798. Tuy nhiên, cũng có khi ông lại “”đổ lỗi” cho các vấn đề về đường tiêu hóa.

Kết quả khám nghiệm tử khi ngay sau khi Beethoven qua đời cho thấy một bên tai trong của ông đã bị căng phồng theo thời gian, đây có lẽ là nguyên nhân vì sao nhà soạn nhạc thiên tài này lại bị điếc, nhưng nó là kết quả của chứng bệnh gì thì y học đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có câu trả lời.

Tại sao Beethoven dù bị điếc, nhưng vẫn có thể sáng tác nhạc và thành một huyền thoại?

Nhà soạn nhạc thiên tài người Đức đã từng thử rất nhiều cách nhằm cải thiện khả năng thính giác của mình nhưng đều không có mấy tác dụng. Đến năm 1812, ông mới chấp nhận sự thật rằng mình đã hoàn toàn mất đi thính giác và bắt đầu sử dụng các loại máy trợ thính để hỗ trợ, tuy nhiên tình hình cũng không mấy khả quan.

Vậy Beethoven đã sáng tác nhạc như thế nào?

Tuy đã mất hoàn toàn thính lực từ năm 44 tuổi, nhưng Beethoven vẫn tiếp tục tạo ra những tác phẩm để đời. Bởi lẽ, các triệu chứng của ông tiến triển khá chậm và vốn đã sáng tác và tiếp xúc với âm nhạc suốt 3 thập kỷ trước đó, hơn ai hết, nhà soạn nhạc người Đức nắm rõ mọi quy luật, ông biết rõ từng nhạc cụ sẽ phát ra âm thanh như thế nào và làm sao để kết hợp chúng một cách nhuần nhuyễn nhất. Vì vậy, ông luôn hình dung trong đầu những tác phẩm của mình sẽ như thế nào trước cả khi ông đặt bút sáng tác.

Tại sao Beethoven dù bị điếc, nhưng vẫn có thể sáng tác nhạc và thành một huyền thoại?

Những người quản gia của Beethoven nhớ rằng, khi thính giác của ông dần kém đi, ông sẽ ngồi bên cây đàn piano, đặt một cây bút chì vào miệng, chạm đầu kia của nó vào bộ dây của cây đàn, để cảm nhận độ rung của nốt nhạc. Trong khoảng 20 năm cuối đời, Beethoven đã sáng tác âm nhạc bằng trí nhớ và khả năng tưởng tượng của bản thân, chứ không còn bằng đôi tai nữa. Không chỉ tiếp tục sáng tác nhạc, Beethoven còn biểu diễn, chỉ huy dàn nhạc sau khi bị điếc.

Việc mất hoàn toàn thính giác cũng ảnh hưởng đến các tác phẩm về sau này của Beethoven.

Các tác phẩm trong thời kỳ này hầu hết sử dụng các nốt thấp, chủ yếu là để ông có thể cảm nhận rõ ràng hơn. Bởi lẽ như đã đề cập ở trên, việc nghe được các nốt cao vốn đã gây khó khăn cho Beethoven từ khi ông mới chưa đầy 30 tuổi. Những bản hòa tấu trong thời kỳ này của Ludwig vẫn đạt được những thành công rực rỡ về mặt nghệ thuật lẫn đại chúng như Bản Sonate Ánh Trăng hay 6 bản giao hưởng đã đi vào huyền thoại, tất cả đều được Beethoven sáng tác sau khi ông đã bị điếc hoàn toàn.

Những năm tháng cuối đời, người ta lại thấy những nốt cao quay trở lại. Nhiều người cho rằng, Ludwig van Beethoven đã “nghe” được tác phẩm thành hình trong trí tưởng tượng của mình và đó chính điều khiến nhà soạn nhạc người Đức này trở nên thực sự vĩ đại.