Vào năm 1960, các nhà khoa học đã sử dụng đồng hồ nguyên tử như một loại thiết bị tham chiếu nhằm đo tốc độ quay của Trái Đất và ngày 29/6 vừa qua được ghi nhận là ngày mà hành tinh xanh của chúng ta hoàn thành một vòng quay nhanh nhất, cụ thể là nhanh hơn 1,59 mili-giây (ms) so với 24 giờ thông thường.

Trái Đất vừa trải qua ngày ngắn nhất lịch sử mà ít ai hay biết

Nguyên nhân của hiện tượng này đến từ việc Trái Đất đang quay ngày một nhanh hơn, nhưng lý do của việc “tăng tốc” này vẫn chưa được làm sáng tỏ. Trước ngày 29/6/2022, các kỷ lục ngày ngắn nhất là 19/7/2020, khi Trái Đất quay nhanh hơn 1,47ms và gần đây nhất là hôm 26/7 khi Trái Đất vòng quanh của mình nhanh hơn 1,5ms.

Những lý do khiến Trái Đất thay đổi tốc độ quay quanh trục có thể kể đến sự vận động của các đại dương, thủy triều, các biến đổi trong cấu trúc lõi của hành tinh. Tuy nhiên, tất cả chúng đều đang được đánh giá là không đáng kể để có thể gây ra mức trễ lên đến 1,59ms kể trên.

Theo chuyên trang khoa học - công nghệ Vice, hiện tượng Trái Đất tăng tốc này đã nhiều lần xảy ra vào năm 2020. Hiện tượng ngược lại cũng đã không ít lần được ghi nhận, điều này xảy ra nhiều lần đến nỗi người ta đã phải thêm 27 giây nhuận vào Giờ Phối hợp Quốc tế (UTC). Tuy nhiên trong quá khứ chưa bao giờ ghi nhận điều ngược lại.

Theo Viện Tiêu chuẩn và Công nghệ Quốc gia Mỹ (NIST), việc điều chỉnh “giây nhuận” vào giờ UTC có nhiều ưu cũng như khuyết điểm. Về ưu điểm, việc này sẽ đồng bộ thời gian xoay quanh trục của Trái Đất đến các hoạt động thiên văn. Ở chiều ngược lại, việc điều chỉnh giờ UTC có thể dẫn đến các lỗi về đồng bộ trên các hệ thống máy tính và định vị toàn cầu (GPS).

Nhiều nhà khoa học cho rằng, việc Trái Đất bỗng dưng tăng tốc rất có thể chỉ là nhất thời, bởi lẽ hành tinh xanh của chúng ta vốn đã quay chậm dần trong một thời gian dài do tác động từ Mặt Trăng. Nếu hiện tượng này kéo dài, thì trong khoảng 6-7 triệu năm nữa, một ngày trên Trái Đất sẽ dài hơn hiện tại những 1 phút!