Ngày Quốc tế chống kì thị người đồng tính, song tính, chuyển giới và đa dạng giới 2022
IDAHOBIT (International Day Against Homophobia, Biphobia, Intersex-phobia & Transphobia) được bắt đầu từ năm 2004 với mục đích nâng cao nhận thức về bạo lực và phân biệt đối xử mà những người đồng tính nữ, đồng tính nam, song tính và chuyển giới phải đối mặt, bao gồm tất cả những người có bản dạng giới hoặc thể hiện giới khác biệt.
IDAHOBIT (International Day Against Homophobia, Biphobia, Intersex-phobia & Transphobia) Tạm dịch: Ngày quốc tế chống kì thị người đồng tính song tính chuyển giới và đa dạng giới |
Tất cả mọi người sinh ra đều được tự do và bình đẳng về nhân phẩm và quyền. Nguyên tắc giản dị nhưng mạnh mẽ này đã được nêu trong Tuyên ngôn Nhân quyền Phổ quát, một lý tưởng nhất quán quan trọng lần đầu tiên đặt ra các quyền con người phổ quát. Cam kết không phân biệt đối xử trong đó đã được các quốc gia trên toàn thế giới khẳng định lại trong nhiều công cụ nhân quyền quốc tế. Nó cũng là cốt lõi của Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững với tầm nhìn về một thế giới không còn phân biệt đối xử và cam kết không để ai bị bỏ lại phía sau. Để đạt được cam kết này đòi hỏi việc giải quyết các hình thức phân biệt đối xử đa dạng và đa tầng mà ảnh hưởng đến đời sống của người đồng tính, song tính, chuyển giới, liên giới tính (LGBTI) và những người có bản dạng giới khác.
Lá cờ lục sắc biểu tượng của cộng đồng LGBT |
Cùng với sự phát triển của khoa học, hiểu biết của con người về bản dạng giới và xu hướng tính dục cũng được nâng cao. Năm 2013, chính phủ Anh gửi lời xin lỗi hoàng gia tới cha đẻ của khoa học máy tính hiện đại, nhà toán học Alan Turing vì trong quá khứ đã kết tội “đồng tính” và bắt buộc ông “chữa bệnh” bằng nội tiết tố, dẫn đến việc ông tự tử. Đã có ít nhất 18 quốc gia và vùng lãnh thổ cấm các liệu pháp “chữa trị” đồng tính.Cho tới nay, hành trình vận động nhằm xoá bỏ những điều luật và thực hành bệnh lý hoá người LGBTI vẫn còn đang tiếp diễn. Phải tới năm 2018, WHO mới chính thức loại bỏ “rối loạn bản dạng giới” liên quan tới người chuyển giới ra khỏi các bệnh tâm thần trong Phân loại Bệnh lý Quốc tế 11 (ICD-11), đồng thời đặt ra một tiêu chuẩn mới về thăm khám sức khoẻ cho người chuyển giới.
Tối ngày hôm qua tại trụ sở Ủy ban châu Âu thắp sáng lá cờ lục sắc biểu thị cho tinh thần luôn sẵn sàng giúp đỡ cho cộng đồng LGBTIQ trên toàn thế giới | Nguồn ảnh: Twitter |
Trải qua một hành trình dài đầy khó khăn, đến nay, chúng ta đã thấy một số dấu hiệu tích cực trong việc đấu tranh cho sự bình đẳng của cộng đồng LGBTIQ+ tại Việt Nam.IDAHOBIT được xem như một sự kiện có ý nghĩa quan trọng đối với cộng đồng LGBTIQ+ và những ai đang đấu tranh cho quyền bình đẳng.
Tuy thế, thực tế là hàng ngày người LGBTI và gia đình của họ vẫn đã, đang và có thể là nạn nhân của những định kiến về việc “chữa trị”, ép buộc thay đổi xu hướng tính dục và bản dạng giới bằng lời nói, sự doạ nạt, hay nghiêm trọng hơn, bằng các liệu pháp tâm lý, thuốc an thần hay hormones. Có tới 60.2% người LGBTI bị mắng mỏ, đánh đập nhằm ép thay đổi, 19.1% bị bắt đi bác sĩ thăm khám, và 9.7% phải tới thầy cúng, bùa giải cùng chính gia đình của mình (iSEE, 2015). Ngay đầu tháng 5 vừa rồi, trên một cổng hỏi đáp của một bệnh viện tư nhân lớn, cũng đã xuất hiện những tư vấn nên đưa người LGBTI đến để “kiểm tra y khoa” và “khám tâm lý”.
Hơn 30 năm trôi qua kể từ ngày 17/5/1990, sự thay đổi thông tin trong một tài liệu y khoa của WHO sẽ chỉ thực sự có ý nghĩa khi tất cả chúng ta cùng thay đổi nhận thức và hành động của mình. Nhân ngày IDAHOT, hãy cùng NETBIZ góp sức vào các hoạt động nhằm xây dựng một xã hội tự do, bình đẳng, khoan dung dành cho tất cả mọi người.