Trương Đình Hoàng nhận được gì khi đối đầu võ sĩ số 1 Hàn Quốc?
Trương Đình Hoàng đã có đủ mọi vinh quang với boxing nghiệp dư. Anh là tay đấm nam Việt Nam duy nhất giành HCV SEA Games trong lịch sử khi lên ngôi tại Singapore năm 2015. Mười bốn năm liền anh vô địch các giải vô địch quốc gia tại 3 hạng cân khác nhau, mới đây nhất là HCV tại Đại hội TDTT toàn quốc.
Dù đâu đó vẫn có những nốt trầm, nhưng đó là bảng thành tích mà bất kỳ 1 VĐV nào cũng mong muốn. Lời từ biệt boxing nghiệp dư cuối năm 2022 là chặng kết đẹp, để từ đây võ sĩ Đắk Lắk có thể tập trung tối đa cho con đường chuyên nghiệp.
Đây có lẽ là quyết định có phần mang dấu ấn tuổi tác, khi Hoàng năm nay đã bước sang tuổi 33. Boxing nghiệp dư vốn có nhịp độ rất cao khi trận đấu chỉ giới hạn trong 3 hiệp, các võ sĩ phải ra đòn nhiều. Điều này trái ngược với boxing chuyên nghiệp với số hiệp có thể lên đến 12 và các võ sĩ có nhiều lựa chọn về chiến thuật hơn.
Ở SEA Games 32, khi đụng độ võ sĩ đầy sức trẻ của Indonesia là Maikhel Muskita, Trương Đình Hoàng tỏ ra hụt hơi, không thể theo kịp nhịp độ. Dù chiến thắng sau đó của võ sĩ nước bạn đầy tranh cãi, sự thật là võ sĩ sinh năm 1989 không còn phù hợp với các giải đấu boxing nghiệp dư đỉnh cao.
Sau giải đấu này, dù giành HCĐ, Đình Hoàng đã nhận về những chỉ trích, cho rằng anh tập trung phát triển kinh tế cá nhân hơn là cho sự nghiệp thể thao. Hình ảnh của võ sĩ số 1 Việt Nam cũng dần phai trong người hâm mộ.
Nhưng nếu tập trung cho boxing chuyên nghiệp, Đình Hoàng tìm kiếm điều gì? Ở tuổi của mình, sẽ rất khó cho anh đi xa hơn và tạo ra những cột mốc mới. Bản thân Đình Hoàng cũng đã có những thành công nhất định tại sân chơi chuyên nghiệp với thành tích 4 trận toàn thắng, trong đó có 2 lần giành đai (WBA Đông Á và WBA châu Á hạng cân siêu trung).
Nhưng ngoại trừ đối thủ người Hàn Quốc Lee Gyu Hyun trong trận tranh đai WBA Đông Á năm 2019 tại Hà Nội, các bại tướng khác của Hoàng luôn bị đặt dấu hỏi về năng lực thực sự.
Đơn cử như trận đấu gần nhất ngày 1/10/2022, đối thủ Robert Kopa dù được giới thiệu là số 1 Indonesia ở hạng cân của mình, nhưng từ vẻ ngoài đến kỹ năng trên sàn đài đều khiến người xem thắc mắc: “Gã này ở đâu ra vậy?”.
Nhiều người bắt đầu nghi ngờ mục tiêu của võ sĩ từng 1 thời là số 1 Việt Nam. Bảo vệ chiếc đai WBA châu Á hạng siêu trung và nâng cao bảng thành tích bằng các kèo đấu thiếu chất có lẽ là khả dĩ nhất.
Nhưng những nghi vấn đó sẽ cần kiểm chứng, và bài test sẽ diễn ra ngay cuối tuần này tại sự kiện LEAD: Born to LEAD, khi Đình Hoàng bảo vệ chiếc đai trước kẻ thách thức Dae Hyun-baek tới từ Hàn Quốc.
Dù còn khá trẻ, mới chỉ 24 tuổi, nhưng Hyun-baek đã có 4 chiến thắng chuyên nghiệp sau 5 trận đã đấu. Anh cũng đứng đầu Hàn Quốc ở hạng siêu trung (theo Boxrec), xếp hạng 109 thế giới (hơn Đình Hoàng 303 bậc).
Tay đấm này có phong cách thi đấu lì lợm, không tận dụng sức trẻ để dồn đòn mà thường quan sát, chọn thời điểm, thiên về phản công. Khả năng dứt điểm của Hyun-baek cũng đáng để nói tới, khi anh đã có 4 trận thắng knockout. Trước đối thủ đã được kiểm chứng này, “Nam vương” của boxing Việt Nam sẽ cần đặt bản thân vào lằn ranh, bung hết những gì tinh tuý nhất.
Nếu bảo vệ đai thành công trước đối thủ mạnh lần này, Đình Hoàng sẽ giữ vững vị thế là tay đấm tiên phong cho boxing chuyên nghiệp Việt Nam và có cơ hội tìm kiếm các trận đấu chất lượng hơn nhằm khẳng định mục tiêu thi đấu lâu dài.
Nhưng nếu để thua, Đình Hoàng sẽ 1 lần nữa phải hứng chịu áp lực từ dư luận về khả năng thi đấu đỉnh cao, mà lần này có thể sẽ là tệ nhất. Trận đấu ngày 25/2 tới tại Saigon Sports Club (TP. Hồ Chí Minh) có ý nghĩa như 1 ngã 3 đường, khi mà kết quả có thể ảnh hưởng lớn đến phần còn lại trong sự nghiệp của 1 trong những võ sĩ thành công nhất lịch sử boxing Việt Nam.