Hệ thống miễn dịch bảo vệ cơ thể chống lại đa số các loại bệnh tật, đặc biệt là các bệnh truyền nhiễm như Covid 19 hay cảm cúm. Hệ thống phức tạp này bao gồm nhiều bộ phận trên cơ thể cấu thành như máu, tuỷ xương, mô, da và các cơ quan khác trong cơ thể cùng nhau hoạt động để giúp cơ thể chống lại các mầm bệnh như vi khuẩn và virus.

Các bộ phận trong cơ thể đều đóng vai trò quan trọng trong việc giữ cho hệ miễn dịch luôn hoạt động khỏe mạnh và hiệu quả. Vì vậy, để có hệ miễn dịch khỏe mạnh bạn cần phải giữ cho toàn bộ các cơ quan trên cơ thể luôn trong tình trạng khỏe mạnh tuyệt đối bằng cách bổ sung các chất dinh dưỡng hay tập luyện thể thao… Dưới đây là 3 phương pháp giữ cho hệ miễn dịch khỏe mạnh theo Everyday Health:

Tham gia hoạt động thể chất mỗi ngày

Tập thể dục thường xuyên giúp cơ thể phát triển khả năng chống lại nguy cơ mắc các bệnh mãn tính như béo phì, tiểu đường, bệnh tim và các loại bệnh truyền nhiễm do virus và vi khuẩn gây ra.

Ngoài ra, hoạt động thể chất còn có khả năng giúp con người giảm căng thẳng do tính chất giải phóng endorphin giúp giảm đau và tạo cảm giác sảng khoái ở con người.

Nhiều nghiên cứu dịch tễ học đã chỉ ra rằng những người tham gia hoạt động thể chất thường xuyên với tần suất ổn định có xu hướng mắc các bệnh cấp tính và mãn tính thấp hơn so với người ít tham gia các hoạt động thể chất. Những nghiên cứu ở cấp độ tế bào cho thấy khi tham gia hoạt động thể chất, hệ thống cơ thể giúp phân phối các tế bào miễn dịch đi khắp cơ thể để tìm kiếm các tế bào bị tổn thương hoặc nhiễm bệnh đề ngăn ngừa.

Tuân thủ những nguyên tắc này để giữ hệ miễn dịch luôn khoẻ mạnh
Tham gia hoạt động thể chất có vai trò quan trọng đối với hệ miễn dịch - Hình minh hoạ

Người trưởng thành nên tập luyện tối thiểu 150 phút mỗi tuần đối với các bài tập như đi bộ hay 75 phút đạp xe hoặc chạy bộ.

Tham gia các hoạt động thể chất một cách điều độ cũng có tác động tích cực đến sức khỏe của xương và xây dựng các nhóm cơ bắp hiệu quả. Từ đó giúp tăng cường sức khoẻ của hệ thống miễn dịch. Để có thể có nhiều lợi ích hơn trong khi tập thể dục, các chuyên gia khuyên rằng mọi người nên tập thể dục ở bên ngoài môi trường tự nhiên. Nguyên nhân là do quang cảnh và thời gian trong tự nhiên được chứng minh là có ảnh hưởng tích cực đến tâm trạng, hạ huyết áp, giảm viêm và hỗ trợ cải thiện sức khỏe của hệ thống miễn dịch. Ánh nắng mặt trời cũng có thể giúp cơ thể sản xuất lượng vitamin D cần thiết cho cơ thể, một yếu tố vô cùng quan trọng đối với sức khoẻ của hệ miễn dịch.

Sử dụng các loại thực phẩm nguồn gốc thực vật

Thực phẩm có nguồn gốc thực vật như trái cây, rau củ quả, thảo mộc… có chứa các chất dinh dưỡng rất cần thiết để giữ cho hệ thống miễn dịch hoạt động hiệu quả. Một số loại thực phẩm thuộc nhóm thực vật cũng có đặc tính kháng virus và kháng khuẩn giúp chống lại nhiễm trùng cực kỳ tốt như đinh hương, húng tấy, quế,...

Trong các loại thực phẩm có nguồn gốc thực vật chứa nhiều chất kẽm, sắt, selen, đồng, vitamin A, C, E, B6 và B12 cực kỳ cần thiết để bổ sung năng lượng cho các hoạt động của hệ thống miễn dịch.

Tuân thủ những nguyên tắc này để giữ hệ miễn dịch luôn khoẻ mạnh
Thực phẩm thực vật chứa nhiều chất dinh dưỡng cần thiết cho hệ miễn dịch - Hình minh hoạ

Protein cũng đóng vai trò rất quan trọng đối với sức khoẻ của toàn bộ hệ thống miễn dịch. Các axit amin có trong chất dinh dưỡng đa lượng này giúp cơ thể xây dựng và duy trì các tế bào miễn dịch, tăng khả năng chống lại nguy cơ nhiễm trùng của cơ thể. Các loại thực phẩm chứa nhiều protein có thể tham khảo bao gồm các thực vật họ đậu, hạt hay thịt gia cầm và hải sản. Tuy nhiên cần phải hạn chế sử dụng các loại thịt đỏ và thịt chế biến sẵn vì chúng cũng đi kèm với nguy cơ gây mắc một số bệnh khác cho cơ thể. Cẩn trọng khi sơ chế các loại thực phẩm trên để tránh nguy cơ nhiễm trùng do sơ chế không đạt chuẩn.

Ngủ sâu

Giấc ngủ sâu hay giấc ngủ phục hồi giúp cơ thể chữa lành và tái tạo các thương tổn trong khi ngủ, vì vậy một giấc ngủ sâu có vai trò quan trọng đối với các phản ứng miễn dịch khỏe mạnh.

Giấc ngủ là thời điểm cơ thể điều chỉnh các phân tử miễn dịch quan trọng như cytokine và các tế bào trong cơ thể. Ngủ không đủ giấc hay ngủ chập chờn có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe hệ miễn dịch do thiếu khả năng tái tạo năng lượng và hồi phục tế bào, từ đó dẫn đến tình trạng dễ mắc bệnh hơn và thường xuyên mệt mỏi, có tâm trạng xấu,...

Tuân thủ những nguyên tắc này để giữ hệ miễn dịch luôn khoẻ mạnh
Ngủ sâu giúp cơ thể tái tạo năng lượng và tế bào - Hình minh hoạ

Thiếu ngủ còn làm tăng nồng độ cortisol trong cơ thể gây ảnh hưởng đến chức năng miễn dịch trầm trọng. Hệ quả là hệ thống miễn dịch bị hao mòn và có xu hướng hồi phục hay chống lại các nguy cơ mắc bệnh tật kém hơn.

Người trưởng thành nên ngủ từ bảy đến chín giờ mỗi ngày để tối ưu hoá chất lượng của giấc ngủ. Để có một giấc ngủ sâu mọi người cần phải tránh sử dụng các loại thiết bị điện tử có ánh sáng xanh như điện thoại, máy tính bảng, laptop trước khi ngủ. Đồng thời một giấc ngủ luôn tuân thủ theo thời gian sinh học của cơ thể cũng giúp cơ thể dễ đi vào giấc ngủ và ngủ ngon hơn.

Hệ thống miễn dịch có vai trò vô cùng quan trọng trong việc bảo vệ cơ thể khỏi các nguy cơ mắc bệnh tật và kéo dài tuổi thọ. Vì vậy mọi người luôn luôn phải chú trọng đến sức khoẻ của hệ miễn dịch và tuân thủ các nguyên tắc cần thiết để tăng cường sức khỏe hệ thống miễn dịch hiệu quả.