Bộ Y tế ban hành công văn khẳng định đồng tính không phải là bệnh vậy người trong cộng đồng LGBTQ+ nói gì?
Theo đó, Bộ Y tế nhận được thông tin phản ánh về việc hiện nay một số cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và một số bác sĩ tự nhận là chữa khỏi bệnh đồng tính, trong khi Hiệp hội Tâm thần học Hoa Kỳ và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã khẳng định đồng tính hoàn toàn không phải là bệnh, vậy nên đồng tính không thể “chữa”, không cần “chữa” và cũng không thể làm cách nào thay đổi được.
Toàn văn chỉ đạo nhằm chấn chỉnh công tác khám bệnh, chữa bệnh đối với người đồng tính, song tính và chuyển giới của Bộ Y tế |
Bên cạnh đó Bộ cũng đề nghị Thủ trưởng các đơn vị chỉ đạo các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc thẩm quyền quản lý của mình quán triệt các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong toàn quốc tăng cường tuyên truyền, phổ biến để các bác sĩ, nhân viên y tế và người dân đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hiểu đúng về người đồng tính, song tính và chuyển giới. Khi tổ chức khám bệnh, chữa bệnh cho người đồng tính, song tính, chuyển giới phải bình đẳng, tôn trọng về giới tính, không phân biệt đối xử, kỳ thị đối với các đối tượng này, không coi đồng tính, song tính, chuyển giới là một bệnh, không can thiệp, ép buộc điều trị đối với các đối tượng này, nếu có chỉ là hỗ trợ về tâm lý và do người có hiểu biết về bản dạng giới thực hiện. Đề xuất tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh người hành nghề trong việc thực hiện, tuân thủ các nguyên tắc trong hành nghề khám bệnh, chữa bệnh theo đúng quy định của pháp luật cũng đã được nhấn mạnh
Anh Lương Thế Huy Viện trưởng Viện nghiên cứu. Xã hội, Kinh tế và Môi trường (Viện iSEE) chia sẻ thông tin trên trang cá nhân cùng với niềm tự hào.
Có thể nói hai trang giấy vỏn vẹn này chính là giấc mơ giữa ban ngày của những người LGBT thế hệ 8x như mình - Anh Huy chia sẻ (Nguồn: Facebook nhân vật) |
Nhiều nghiên cứu cho thấy sự ủng hộ đối với cộng đồng LGBT ngày càng tăng ở nhiều quốc gia như một phần tự nhiên và lành mạnh của phổ tính dục, những ở đâu đó một làn sóng kỳ thị đồng tính đáng lo ngại dường như đang lan rộng ra.
Bạn L - người chuyển giới nữ ở Hà Nội cho biết: "Rõ ràng là mình đến đăng ký dịch vụ thì thông thường bác sỹ sẽ phải hỏi sức khoẻ mình là đau chỗ nào hay có bất thường ở đâu. Tuy nhiên, họ không hỏi vấn đề trực tiếp mà họ hỏi vấn đề rất là cá nhân: 'Em là con trai hay là con gái? Sao lại như thế này? Sao lại như thế kia? Sao lại tóc dài, sao lại tô son?' Mà rõ ràng những câu hỏi không liên quan đến việc chăm sóc sức khoẻ cho mình. Mình cũng tỏ ra bình thường. Mình trả lời những câu hỏi của người ta là vì mình là người chuyển giới. Mình nghĩ những câu trả lời của mình cũng giúp người ta hiểu một phần về người chuyển giới và để khẳng định lại thái độ họ nên phải cư xử với mình như thế nào".
Ảnh minh họa. |
"Một số bác sĩ thật sự là không có chuyên môn cho nhóm đặc thù, có thể là do họ nhiều việc. Họ có thể biết các bệnh lây truyền qua đường tình dục, họ có thể biết các phương pháp ngăn chặn nhưng họ không thể hiểu được tâm sinh lý của người trong nhóm. Vì thế họ có những câu hỏi không phù hợp và mình nghĩ là mình có nói ra thì họ chưa chắc đã hiểu. Nói chung là không hiểu về tâm sinh lý cộng đồng, khiến nhiều bạn đến tư vấn chưa thực sự hài lòng." Đó là những chia sẻ của bạn N.V.P (một bạn đồng tính nam tại tỉnh Sơn La) khi chia sẻ về những trải nghiệm của bản thân tại cơ sở khám chữa bệnh mà bạn thường tới.
Ảnh minh họa. |
Việc Bộ Y tế đưa ra ý kiến chỉ đạo nhằm chấn chỉnh công tác khám bệnh, chữa bệnh đối với người đồng tính, song tính và chuyển giới quả thật là một tin vui sau bao mong mỏi và nỗ lực của nhiều cá nhân, tổ chức thuộc và làm việc về cộng đồng LGBTIQ+ và một bước tiến lớn nữa sau phản hồi chính thức từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam.