Goal-line (Xác định bàn thắng tự động)

Những công nghệ hiện đại xuất hiện trong World Cup 2022
Công nghệ Goal-line tại World Cup 2022

Công nghệ Goal-line vốn đã bắt đầu được sử dụng tại World Cup 2014 và liên tục được nâng cấp. Tại Qatar năm nay, mỗi hệ thống Goal-line sẽ sử dụng dữ liệu từ 14 camera tốc độ cao gắn dưới sân hoặc dưới mái che. Các dữ liệu được sử dụng để tạo hoạt cảnh 3D nhằm hiển thị kết quả một cách trực quan cho cả người xem trên TV lẫn trong sân vận động. Đây cũng được coi là công nghệ ít gây tranh cãi nhất, có tính chính xác cao nhất kể từ khi xuất hiện.

VAR (Video assistant referee - Video hỗ trợ trọng tài)

Những công nghệ hiện đại xuất hiện trong World Cup 2022

Được triển khai lần đầu tại World Cup 2018 nhưng VAR đã trở thành một trong những tranh cãi lớn nhất tại giải đấu này.

Về cơ bản, VAR giúp trọng tài đưa ra quyết định chính xác hoặc sửa sai thông qua video quay chậm. Tuy nhiên, cách can thiệp của trọng tài trong nhiều tình huống, bỏ qua lỗi hay xác định một tình huống nhạy cảm thông qua VAR vẫn là chủ đề tốn nhiều giấy mực của báo giới.

Tại Qatar năm nay, cả 8 sân vận động sẽ được trang bị tối thiểu 42 camera (mỗi sân) và tổ trọng tài VAR có quyền truy cập vào tất cả hệ thống. Trong số này có 8 camera hỗ trợ phát lại chuyển động siêu chậm và 4 trong số đó là cực chậm. Một nhóm VAR gồm 8 người bao gồm 4 trọng tài mặc áo xanh và 4 thành viên hỗ trợ.

FIFA Player - Ứng dụng thông tin hiệu suất cầu thủ

Những công nghệ hiện đại xuất hiện trong World Cup 2022

Do FIFA và FIFPRO (đại diện toàn cầu của các cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp) hợp tác phát triển. Ứng dụng FIFA Player cung cấp dữ liệu chi tiết về hiệu suất của từng người chơi sau mỗi trận đấu và được áp dụng lần đầu tại World Cup 2022.

Mỗi cầu thủ sẽ có các dữ liệu về thể chất, được thu thập thông qua các cảm biến, nhiều camera độ chính xác cao lắp đặt quanh sân. Các thông số có thể kể đến bản đồ nhiệt, thời gian di chuyển tốc độ trên 25km/giờ, tốc độ tối đa. Ngoài ra, người xem cũng có thể nhận biết số đường chuyền, số lần tạo cơ hội, khả năng gây áp lực khi mất bóng của từng cầu thủ.

Công nghệ bắt việt vị bán tự động

Những công nghệ hiện đại xuất hiện trong World Cup 2022

FIFA lần đầu giới thiệu công nghệ bắt việt vị bán tự động vào năm 2019 và thử nghiệm thành công tại Arab Cup ở Qatar năm 2021 cũng như FIFA Club World Cup tại UAE đầu năm 2022. Đây cũng là công nghệ mới được quan tâm nhất khi áp dụng tại World Cup 2022.

Giải pháp này dựa trên 12 camera chuyên dụng gắn dưới mái các sân vận động và được đồng bộ hóa. Dữ liệu theo dõi quang học xem xét 29 điểm dữ liệu di chuyển của từng cầu thủ và vị trí của bóng, được phân tích ở tốc độ 50 lần/giây.

Al Rihla, trái bóng chính thức của World Cup 2022, có một bộ cảm biến để truyền dữ liệu 500 lần mỗi giây đến phòng VAR. Hai công nghệ này kết hợp để theo dõi di chuyển của từng cầu thủ và "thời điểm bóng rời chân" chính xác trong thời gian thực bằng cách sử dụng AI.

Những công nghệ hiện đại xuất hiện trong World Cup 2022
Al Rihla, trái bóng chính thức của World Cup 2022

VAR sẽ nhận được cảnh báo nếu hệ thống phát hiện việt vị, từ đó xem lại tình huống theo cách thủ công rồi tư vấn cho trọng tài chính. FIFA ước tính công nghệ sẽ giúp cắt giảm thời gian đưa ra quyết định từ mức trung bình 70 giây bằng việc xem lại băng hình ngoài đường biên hiện tại xuống còn từ 20-25 giây.